Năm ngoái, ông Bằng (56 tuổi, ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre) hỏi thuê vườn dừa rộng gần 1ha của bà Mười ở xã bên để khai thác trái. Thế nhưng chưa kịp đo đạc, kiểm đếm để tính tiền thuê thì vườn dừa đã bị sâu đầu đen tấn công, phá sạch.
“Khổ thân bà Mười, dừa bị sâu nên đốn hết rồi, vườn giờ để hoang, không có thu nhập gì. Bà ấy đang cho tôi quản lý vườn để cắt cỏ cho bò chứ không thuê mướn gì nữa”, ông Bằng nói.
Ông Bằng cho biết, gia đình ông cũng có 0,4ha vườn dừa, nhưng đang phải “hết hơi” để giành giữ với sâu. Trung bình mỗi tháng vườn khai thác được 4 triệu đồng tiền bán trái, nhưng phải để ra hơn 1 triệu đồng thuê người phun xịt sâu.
Số tiền còn lại, ông Bằng phải chi gần nửa mua phân bón, nên tính ra khu vườn gần như không mang về lợi ích gì.
“Vì sâu đầu đen mà dân trồng dừa chúng tôi khổ quá, tính đến nay đã 3 năm rồi, thiệt hại không biết bao nhiêu mà nói. Ở đây hầu như ai cũng trồng dừa, nhìn quanh nhà tôi vườn nào cũng cháy lá, dân không biết trông vào đâu”, ông Bằng nghẹn ngào.
Cạnh nhà ông Bằng, nhà bà Thùy (41 tuổi) cũng vừa mất trắng hơn 0,1ha vườn dừa vì sâu đầu đen. Khu vườn đã gần như cháy hết lá, trái cũng đã rụng gần hết.
“Mới bị sâu tấn công 2 tháng thôi đấy, mà tan nát hết, không kịp làm gì cả. Giờ đốn cây rồi để hoang vườn thôi, chờ khi nào dịch hết thì mới dám trồng lại.
Các loại sâu khác chỉ ăn lá non, riêng sâu đầu đen lại ăn lá già trước, ăn từ gốc đến đọt rồi mới ăn trái, nên trị rất khó”, bà Thùy cho biết.
Cũng ở huyện Giồng Trôm, gia đình bà Tư (70 tuổi) chỉ có 0,1ha vườn dừa, may mắn còn giữ được. Bà Tư cho biết, để giữ vườn dừa, tháng nào bà cũng phải thuê người xịt thuốc sâu 2 lần, tốn kém rất nhiều.
Bà tư than thở, vườn ở quanh nhà, xịt thuốc cũng ảnh hưởng sức khỏe lắm, nhưng không xịt thì cây chết. Năm ngoái trái bị rụng rất nhiều, cây vẫn chưa hồi lại được năng suất, có thể sẽ bị ảnh hưởng thêm vài năm nữa.
Cán bộ ấp ở nơi bà Tư sống cho biết, tính đến nay sâu đầu đen đã phát sinh ở địa phương gần 3 năm, tuy nhiên mọi điểm dịch đều bị khống chế. Khi một vườn xuất hiện sâu, ấp sẽ cho người đến phun xịt thuốc với giá mỗi lượt phun cho mỗi cây dừa là 5.000-7.000 đồng.
Đối diện với huyện Giồng Trôm, ở phía bờ Tây sông Bến Tre là huyện Châu Thành. Những vườn dừa bạt ngàn nơi đây cũng đang bị sâu đầu đen tấn công nghiêm trọng, dọc đường lớn có thể thấy những khu vườn chết trắng nối tiếp nhau.
Vườn dừa của gia đình ông Bình (45 tuổi) đã bị sâu ăn cháy lá, chết trắng. Ông Bình cho biết, những cây dừa của ông mới 10 năm tuổi, đang độ sung và cho trái rất tốt, nhưng chỉ sau một trà sâu thì không còn lại gì.
Gần vườn của ông Bình, có chừng vài ha vườn của những nhà lân cận cũng đã bị sâu ăn chết sạch. Có nhà bất lực bỏ mặc khu vườn, có nhà đã đốn cây để trồng lớp dừa mới.
“Ngành nông nghiệp cũng quan tâm, hỗ trợ chữa trị cho dừa bằng nhiều cách, nhưng có vườn cứu được, có vườn không”, ông Bình nói.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre, đến nay sâu đầu đen đã phát sinh, gây hại trên 2.600ha vườn dừa của tỉnh, diện tích bị sâu tấn công vẫn đang mở rộng. Có gần 2.200ha dừa đã được cứu chữa, đang phục hồi, ngược lại có gần 100ha dừa bị thiệt hại nặng, đã phải đốn bỏ.
Ngành nông nghiệp đã có nhiều biện pháp như phun xịt thuốc, thả hàng chục triệu con ong thiên địch để diệt sâu. Các biện pháp diệt sâu đầu đen vẫn đang được chính quyền và người dân tích cực triển khai.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm