Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn TPHCM có 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 77 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và 181 cơ sở GDNN. Quy mô đào tạo các trình độ GDNN tính đến ngày 30/7/2023 là gần 371.000 người học.
So với cuối năm 2022 tăng 9 đơn vị; trong đó, trường cao đẳng tăng 2 đơn vị mới và giải thể 1 đơn vị, trường trung cấp giảm 1 đơn vị do nâng cấp thành trường cao đẳng, đăng ký mới 8 doanh nghiệp hoạt động GDNN.
Theo UBND TPHCM, GDNN cùng giáo dục đào tạo đại học đang tạo ra nguồn cung nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động thành phố với số lượng hằng năm khoảng 150 ngàn người. Tuy nhiên, giáo dục đại học vẫn đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với GDNN, hệ thống GDNN còn yếu kém.
Trong khi đó, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, hệ thống GDNN phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia, một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN-4…
Do đó, đến năm 2025, TPHCM sẽ tiến hành sáp nhập các cơ sở GDNN thuộc Thành phố quản lý theo Đề án “Quản lý mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn TPHCM đến năm 2030”.
Sau khi sáp nhập, Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2024-2025, TPHCM sẽ đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học cho các cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố với 3 dự án chính là: Dự án phát triển trường nghề chất lượng cao của Trường Cao đẳng nghề với tổng mức đầu tư gần 234 tỷ đồng; dự án mua sắm trang thiết bị của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ với tổng mức đầu tư hơn 117,7 tỷ đồng; dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề của Trường Trung cấp nghề Củ Chi với tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026-2030, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư các dự án đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương được đầu tư gần 171 tỷ đồng để phát triển trường thành trường chất lượng cao.
Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức được đầu tư gần 103 tỷ đồng để đầu tư nghề trọng điểm.
Trường Trung cấp nghề Quang Trung đầu tư hơn 78 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị.
Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TPHCM đầu tư gần 200 tỷ đồng để phát triển ngành Cơ điện tử thành ngành mũi nhọn.
Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM đầu tư gần 200 tỷ đồng để phát triển ngành Cơ khí thành ngành mũi nhọn.
Ngoài ra, ngân sách thành phố còn dự kiến chi gần 2.174 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp năng lực đào tạo nghề cho 13 trường nghề.
Như vậy, từ nay đến năm 2030, TPHCM dự kiến sẽ chi gần 3.360 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp năng lực đào tạo nghề cho hệ thống trường nghề của thành phố.
Ngoài việc tăng cường đầu tư cho các cơ sở GDNN công lập, TPHCM cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở GDNN ngoài công lập trên địa bàn.
Định hướng của TPHCM cho đến năm 2030 là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo GDNN. Thành phố đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, ít nhất 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm