Theo “Chiến lược lao động – việc làm năm 2023 – 2025 và tầm nhìn cho tới năm 2030 của TP.HCM” mới được phê duyệt hồi giữa tháng 5, địa phương này đánh giá bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ có 9 nhóm công nghệ phát triển. Từ đó, hình thành các mô hình kinh doanh, ngành nghề mới và ảnh hưởng đến chuyển dịch lao động, việc làm tại thành phố.
9 ngành này gồm: internet di động (mobile internet), điện toán đám mây (cloud computing); dữ liệu lớn (big data); trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence); công nghệ tài chính (fintech); internet kết nối vạn vật (ioT); người máy tiên tiến (advanced robotics); sản xuất bồi đắp (additive manufacturing) và công nghệ bán dẫn.
Những nhóm ngành chuyển mình
TP.HCM dự báo một số nhóm ngành nghề sẽ có sự thay đổi như sau: Thứ nhất, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên ra trường vẫn còn hạn chế.
Những ngành có nhu cầu lớn trong nhóm này, gồm: công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng); công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu); các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số, vật lý, sinh học)… Nhiều tên ngành trong số này chưa có trong danh mục giáo dục, đào tạo của Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, nhóm ngành thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Nhóm ngành này đòi hỏi người lao động cần mạnh nhiều mảng, cả về tin học và ngoại ngữ, có khả năng cập nhật các thành tựu công nghệ, thiết kế phần mềm đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế số.
Thứ ba, nhóm ngành sản xuất. Hiện thế giới đang áp dụng quy trình sản xuất thông minh, trong đó, hệ thống quản lý và điều hành được số hóa trên 3 mức: vòng đời sản phẩm (product lifecycle management – PLM), hoạt động sản xuất (manufacturing operation management – MOM) và tự động hóa (automation – auto).
Nhóm ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực có những kỹ năng để điều khiển và tự động hóa, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất số lượng lớn trong các doanh nghiệp, nhà máy, thiết kế, điều khiển chế tạo robot…
Thứ tư, ngành logistics, supply chain. Đây là lĩnh vực cung ứng, cần nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng cập nhật được những thay đổi của công nghệ logistics, đồng thời phải làm chủ được các thiết bị, máy móc đang dần thay thế công việc cho con người.
Thứ năm, nhóm ngành kinh tế và quản lý. Điều này đòi hỏi người tham gia lao động cần phải trau dồi bản thân, cập nhật công nghệ, phần mềm liên quan đến chuyên ngành đào tạo như quản lý chuỗi cung ứng (SCM); quản lý quan hệ khách hàng (CRM); ứng dụng điện toán đám mây (cloud computing); hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP); ứng dụng công nghệ quản lý hàng hóa (RFID).
Thứ sáu, ngành du lịch. Đây là ngành có tỷ lệ luân chuyển nguồn nhân lực cao. Hiện xuất hiện nhiều loại hình du lịch. Các robot hoặc hệ thống công nghệ mới sẽ thay thế con người làm các nghiệp vụ truyền thống. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch phải tinh tế và thức thời hơn; phát triển việc nghiên cứu, đào tạo những vị trí việc làm mới thay thế những vị trí truyền thống mà hệ thống công nghệ đã đảm nhiệm.
Thứ bảy, ngành kế toán và kiểm toán. Robot sẽ trở thành công cụ đắc lực cho nhân lực ngành kế – kiểm toán trong việc giải quyết các vấn đề hành chính, giúp mọi người có nhiều quỹ thời gian hơn để tập trung vào xây dựng các chiến lược và phân tích tài chính cho doanh nghiệp.
Để không bị thay thế hoàn toàn, người lao động phải đổi mới sáng tạo cho phù hợp với xu thế. Đồng thời, phát triển tư duy và năng lực của sinh viên ngành kế – kiểm toán trong việc thiết kế, ứng dụng và khai thác thông tin kế toán nhằm phục vụ cho vị trí nhà quản lý.
Thứ tám, ngành công nghệ tài chính. Fintech là thuật ngữ dùng để mô tả việc sử dụng công nghệ mới (blockchain, robot tư vấn, cho vay P2P, thanh toán qua điện thoại…) và ứng dụng trong lĩnh vực tài chính. Fintech cũng thường được dùng để mô tả các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, là những người cung cấp các giải pháp chứ không phải chỉ đơn thuần là cung cấp công nghệ.
Thứ chín, ngành nông nghiệp 4.0. Đây còn được gọi là “nông nghiệp thông minh”, tối ưu hóa đầu vào của cây trồng với sự hỗ trợ của các công nghệ như GPS, mạng viễn thám và internet.
Các hệ thống này có thể cung cấp thông tin thời gian thực về điều kiện đất đai, nhu cầu của cây trồng và vật nuôi, điều kiện thời tiết, năng suất cây trồng và nhu cầu thị trường. Nhu cầu lao động trong ngành nông nghiệp sẽ giảm về số lượng và thay đổi về chất lượng, yêu cầu nhân lực nông nghiệp có trình độ cao.
Lao động – Tin Tức Việc làm