Khó khăn khi cải cách tiền lương
Giải trình tại tổ chiều 25/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc cải cách chính sách tiền lương là vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, chính sách này cũng tác động trực tiếp đến khoảng 50 triệu đối tượng thực hiện các chính sách xã hội gắn với mức lương cơ sở…
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi triển khai nghị quyết 27, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học và đặc biệt, đánh giá nhiều chiều tác động liên quan, trong đó có tác động tích cực, khó khăn khi cải cách tiền lương.
Theo đó, bất cập lớn nhất là việc thiết kế 5 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ chung cho cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương của lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại 9 nhóm phụ cấp còn vướng rất nhiều vấn đề.
Trao đổi về nguyên nhân của việc này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi bãi bỏ mức lương cơ sở, về mặt bằng chung, thiết kế nguyên tắc quan hệ tiền lương theo nghị quyết 27 là 1-2,68-12, mức cao nhất là 29 triệu đồng.
Trong khung quan hệ tiền lương đó, cùng nguyên tắc thiết kế cụ thể từng bảng lương phát sinh bất cập lớn. Lớn nhất là tương quan tất cả các đối tượng không đảm bảo được công bằng, hợp lý, hài hòa.
“Có đối tượng tăng trên 30%, cũng có nhóm chỉ tăng 5-10%. Tuy nhiên, rất nhiều đối tượng thấp hơn lương hiện hưởng”, bà Trà cho hay.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu tiền lương hiện hưởng, 40% là phụ cấp, 60% lương cơ bản. Tuy nhiên, khi thiết kế lương mới sẽ là 30% phụ cấp, 70% tiền lương, tương ứng mức khoảng 43% lương cơ bản, tương đương sụt giảm 24% so với tổng thể quỹ lương cơ bản phần phụ cấp hiện hưởng.
Vấn đề bất cập nữa phải kể đến việc xây dựng vị trí việc làm. Bà Trà cho hay, cả hệ thống nước rút hoàn thiện và phê duyệt xong đề án, song nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu, chất lượng.
Hiện nay, một vấn đề nữa, khi thực hiện cải cách tiền lương phải hết sức coi trọng tinh gọn bộ máy, biên chế. Việc này dù đã nỗ lực nhưng kết quả chưa như mong đợi. Điều này gây khó khăn triển khai hai nội dung cơ bản của tinh thần Nghị quyết 27.
Phương án tốt nhất
“Khi thực hiện cải cách tiền lương phải đảm bảo tăng lương cho tất cả các đối tượng có liên quan, bao trùm đối tượng hưởng chính sách xã hội. Vì vậy, mục tiêu phải phấn đấu đảm bảo tăng, đồng thời, phải đảm bảo đồng bộ cho các đối tượng có liên quan”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Với khối doanh nghiệp sẽ thực hiện theo Nghị quyết 27 là tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể cơ chế tiền lương trong nhà nước. Khu vực công thực hiện 4/6 nội dung cơ bản.
Còn 2 nội dung còn lại khó khăn vướng mắc, bất cập thì theo hướng giữ nguyên hệ số lương cơ sở hiện nay và điều chỉnh tăng lên 30%, mức này cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, giữ nguyên phụ cấp.
Cùng với đó tăng 15% cho lương hưu, bảo hiểm xã hội, tăng rất cao cho người có công, bảo trợ xã hội.
Theo bà Trà, đây là phương án tốt nhất có thể, tinh thần chung tạo tâm trạng hài lòng. Việc tăng lương để tạo động lực cho đội ngũ công chức viên chức, người lao động nỗ lực cao hơn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm