Bỏ nghề xây dựng về làm nông nghiệp
Cuối tháng 6, mặc dù chưa đến mùa nhãn, trên quả đồi hơn 2ha của gia đình anh Đỗ Đồng Tâm (SN 1988, trú xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) vẫn nhộn nhịp cảnh thu hoạch nhãn. Anh Tâm là người tiên phong với mô hình trồng nhãn trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nổi tiếng khắp vùng.
Anh Tâm chia sẻ, trước khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp, anh từng có một công việc ổn định trong nghề xây dựng.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Tâm làm việc cho một doanh nghiệp xây dựng tại Thanh Hóa và sau đó cùng chung vốn mở công ty riêng. Dù công việc ổn định và thu nhập khá, anh Tâm vẫn luôn đam mê với nông nghiệp.
“Từ nhỏ mình đã thích trồng trọt, chăn nuôi. Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng người dân chủ yếu làm theo kiểu truyền thống, trồng mía và sắn không mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Tâm chia sẻ.
Năm 2018, anh quyết định bỏ nghề xây dựng, trở về quê tạo hướng đi mới trong nông nghiệp. Tận dụng hơn 2ha vườn nhãn của gia đình, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để đi khắp các vùng nhãn nổi tiếng nghiên cứu cách trồng nhãn trái vụ.
Giữa năm 2018, anh bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng nhãn trái vụ. Ngày biết tin anh bỏ xây dựng về quê trồng trọt, gia đình can ngăn.
“Bố mẹ không đồng ý khi biết tôi về quê làm nông nghiệp. Ông bà cho rằng từ một người có công việc ổn định, không biết nhiều về nông nghiệp, lại dám về quê trồng nhãn chỉ thất bại. Nhưng vì đam mê, tôi quyết tâm thuyết phục và chứng tỏ cho mọi người thấy”, anh Tâm nói.
Năm 2019, vụ nhãn đầu tiên của anh thành công ngoài mong đợi. Hơn 500 gốc nhãn cho quả sớm hơn khoảng 4 tháng, khiến nhiều người bất ngờ.
Doanh thu tiền tỷ
Nhiều năm qua, vườn nhãn của anh Tâm mang về doanh thu “khủng”, mỗi vụ 1,5-2 tỷ đồng. Thông thường mùa nhãn bắt đầu từ tháng 10, nhưng vì làm trái vụ nên vườn nhãn của anh cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Mỗi năm 1 vụ, với 500 gốc nhãn, anh thu khoảng 60-65 tấn/vụ.
Giống nhãn mà anh trồng là nhãn Hương Chi, xuất xứ từ Hưng Yên. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội. Năm nay thời tiết thuận lợi, anh dự kiến sẽ thu khoảng 65 tấn, với giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu khoảng 2 tỷ đồng.
“Trồng nhãn trái vụ có lợi thế là giá bán ra cao gấp nhiều lần so với nhãn đúng thời vụ. Ngoài ra, mình không bị cạnh tranh quá nhiều nên lợi nhuận cao. Năm 2022, tôi xuất bán với giá 55.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có hàng để bán”, anh Tâm nói.
Bật mí về kỹ thuật “bắt” nhãn ra quả trái vụ, anh Tâm cho biết chủ yếu sử dụng phân bón để ức chế quá trình sinh trưởng của cây, sau đó quan sát quá trình sinh trưởng và thời tiết dài hạn để lựa chọn thời điểm cho cây ra hoa.
Năm 2022, anh Tâm liên kết với 12 hộ trồng nhãn trong vùng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, mô hình trồng nhãn của gia đình anh còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên, chuyển giao công nghệ, cấp cây giống, bao tiêu đầu ra cho nhiều nhà vườn ở địa phương.
Anh Tâm cho biết sẽ mở rộng mô hình và liên kết với nhiều hộ dân ở các huyện có lợi thế về trồng trọt trên địa bàn Thanh Hóa.
Ông Hoàng Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trung cho biết toàn xã có khoảng 10ha nhãn. Trong đó, mô hình của anh Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, anh còn là người tiên phong trong phát triển mô hình trồng nhãn trái vụ.
“Ngoài làm kinh tế giỏi, mô hình của anh Tâm còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Việc áp dụng kỹ thuật trồng nhãn trái vụ đã tạo nên một bước đột phá trong trồng trọt trên địa bàn. Địa phương đang xây dựng phương án để đưa sản phẩm của anh Tâm thành sản phẩm OCOP, đồng thời khuyến khích người dân học tập kinh nghiệm, liên kết với anh Tâm trồng nhãn trái vụ”, ông Dũng cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm