Dẫn lợn đi trốn dịch…
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chăn nuôi, ông Hà Thịnh Hưng (52 tuổi, thôn 4, xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) khoe: “Mấy tháng nay giá lợn luôn lập đỉnh, tôi vui lắm. Hôm qua, tôi xuất bán một xe tải hơn 10 tấn. Cứ duy trì giá bán thế này, người nuôi sẽ thắng đậm”.
Ông Hưng cho biết, trang trại của gia đình luôn duy trì hơn 1.000 con lợn thương phẩm, 60 con lợn nái. Mỗi năm, ông xuất bán gần 200 tấn lợn thương phẩm, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Trước đây, ông Hưng kiếm sống, nuôi cả gia đình bằng nghề buôn lợn sang Trung Quốc. Đi buôn phải xa nhà, vất vả nên năm 2013, ông rút 2 tỷ đồng tiền tiết kiệm, thuê gần 6.000m2 đất ở cánh đồng Cao của xã, xây dựng 4 dãy chuồng nuôi lợn.
Để có được thành công như hiện tại, ông Hưng cho biết ngoài đam mê, nhiệt huyết, cần phải kiên trì, nghiêm túc thực hiện phương châm “3 chịu”, gồm: chịu “chơi lớn”, chịu được sự vấp ngã và chịu khó học hỏi.
Theo ông Hưng, người nuôi phải “chịu chơi”, tức là đầu tư chuồng trại đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, kỳ công trong lựa chọn con giống, thức ăn, chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Nếu không may bị thất bại, thua lỗ phải chịu được áp lực của sự vấp ngã, bình tĩnh tính toán, kiên trì theo đuổi đam mê. Cuối cùng là phải chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ, đúc rút kinh nghiệm.
Hơn 10 năm bén duyên với nghề, người nông dân này học được nhiều bài học. Trong đó, bài học đắt giá nhất là sự biến động cung – cầu của thị trường. Theo ông Hưng, bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng vậy, khi nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ tăng đột biến. Vì thế, ông tính toán, điều chỉnh lịch chăn nuôi và chọn thời điểm “vàng” để xuất hàng.
Ông chủ trang trại kể, tháng 7/2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, thay vì vội vàng “bán đổ bán tháo” với giá rẻ, ông chọn hướng đi riêng. Ngày đêm ông túc trực theo dõi đàn lợn, khi phát hiện trong trại có 6 con bị “dính” dịch, ông liền tiêu hủy. Sau đó, thuê xe di chuyển đàn lợn 500 con đi “chạy dịch”.
“Ngày ấy, tôi thuê trang trại bỏ hoang ở xã Nga Yên với giá 10 triệu đồng/tháng để “trốn dịch” cho đàn lợn. Nhiều người nói như vậy là quá mạo hiểm, nhưng tôi mặc kệ”, ông Hưng tâm sự.
Bí quyết bán lợn giá cao, thu lãi nửa tỷ đồng/năm
Cuối năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi được khống chế, giá lợn hơi có chiều hướng “ấm” lên. Thời điểm ấy, ông Hưng không mất thời gian tái đàn mà đã có sẵn hơn 100 tấn lợn thương phẩm chờ ngày xuất chuồng. Song, ông không bán vội mà “găm” hàng đến cuối năm.
“Cận Tết Nguyên đán năm 2020, 1kg lợn hơi bán với giá 95.000 đồng. Bình quân mỗi con lợn, tôi lãi 4 triệu đồng. Sau đợt bán lợn giá cao kỷ lục, tôi xây được nhà tiền tỷ”, ông Hưng nhớ lại.
Năm 2022, đang chăn nuôi thuận lợi, giá lợn hơi “tụt dốc không phanh”. Nhiều chủ trang trại không muốn tái đàn nhưng ông Hưng vẫn kiên trì theo đuổi đam mê chăn nuôi. Bởi ông quan niệm, nếu cứ gặp khó khăn, thua lỗ mà bỏ cuộc không bao giờ thành công được với nghề.
Cuối năm ngoái, giá lợn hơi có chiều hướng tăng, ông Hưng nghĩ thời cơ “hốt bạc” của mình đã đến. Đầu năm 2024, ông nuôi hơn 1.000 con lợn, tháng 6 năm nay ông bắt đầu xuất bán. Giá bán 68.000-70.000 đồng/kg lợn hơi.
“Với giá bán như hiện nay, một tạ lợn hơi, tôi thu lãi 1 triệu đồng. Mấy ngày nay, thương lái liên tục gọi điện đặt hàng nhưng tôi chưa vội bán. 4 năm nay, tôi “trúng quả” 2 lần khi bán lợn với giá cao kỷ lục. Bình quân mỗi năm tôi thu lãi gần 500 triệu đồng từ chuồng nuôi”, ông Hưng vui vẻ nói.
Có lãi từ chăn nuôi, ông Hưng mở rộng diện tích trang trại lên 1,5ha. Người nông dân này học cách tái sử dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi để trồng các loại cây mang hiệu quả kinh tế cao như: nho sữa Hàn Quốc, dưa vàng trong nhà màng.
Hơn 10 năm bén duyên với mô hình trang trại, ông Hưng mua được ô tô, xây nhà lớn, lo cho 3 người con ăn học. Hiện, trang trại của ông tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho 6 lao động, mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Bà Phạm Thị Chiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Nga An, cho biết ông Hà Thịnh Hưng là một nông dân tiến bộ, chăm chỉ, kiên trì theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp công nghệ cao. Là gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.
“Địa phương luôn khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững. Toàn xã có 6 mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. Những mô hình kinh tế đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương”, bà Chiến chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm