Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Ngư dân bị tấn công dã man giữa biển: “Tôi chỉ biết ôm đầu chịu trận”
Sáng 3/10, ngư dân Nguyễn Thanh Biên, 40 tuổi, thuyền trưởng tàu cá QNg 95739TS, tiếp tục được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Thuyền trưởng Biên nói anh bị nhóm người ở tàu Trung Quốc đánh trọng thương.
Ngư dân Biên được đưa vào bệnh viện trong tình trạng vai và lưng bị chấn thương do bị đánh bằng gậy sắt. Sau 3 ngày được điều trị, sức khỏe của ngư dân này đã ổn định.
“Có 4 anh em bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Hai người nhẹ nhất đã được xuất viện. Sức khỏe của tôi cũng đã tạm ổn. Riêng anh Công bị thương nặng nhất nên được người nhà chuyển đến một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Quảng Nam phẫu thuật”, ngư dân Biên nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ngư dân Huỳnh Tiến Công, 47 tuổi, cho biết, anh bị đánh gãy xương trụ cánh tay phải, tay trái bị rách da, đầu gối bị chấn thương gây phù nề. Các bác sĩ đã phẫu thuật sắp lại phần xương bị gãy.
Theo ngư dân Công, khoảng 40 người lạ đã leo lên tàu cá đầu đánh tới tấp anh và các ngư dân khác. Anh đứng ở phần đuôi tàu nên bị đánh nặng nhất.
Liên tiếp bị đánh bằng gậy sắt, ngư dân Công chỉ biết ôm đầu chịu trận. Do đó, phần cánh tay của anh bị đánh gãy nát.
“Họ tiếp cận phía đuôi tàu cá để leo lên rồi lao đến đánh tới tấp. Ai ở phía đuôi tàu sẽ bị đánh nhiều nhất. Thuyền trưởng Biên bị đánh bất tỉnh, anh em phải van xin thì họ mới dừng lại”, ngư dân Công chia sẻ thêm.
Không chỉ đánh đập ngư dân, nhóm gây ra vụ việc còn cướp phá nhiều tài sản trên tàu cá QNg 95739TS.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, tàu cá QNg 95739TS bị cướp, phá 4 tấn hải sản… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 310 triệu đồng.
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết, huyện đã thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu cho các ngư dân trên tàu cá bị tấn công.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ tàu trang bị dụng cụ đánh bắt hải sản để tiếp tục ra khơi”, ông Hiền nói.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 29/9, tàu cá Quảng Ngãi với 10 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã bị nhóm người ở tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản. Sự việc làm 4 ngư dân bị thương nặng.
Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao lên tiếng liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739TS.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, hành động trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Hành động này vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu Trung Quốc khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Tài xế công nghệ bị hành hung vì tông vào bé gái trượt patin giữa đường
Ngày 30/9, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nam tài xế (người giao hàng) bị người đàn ông đá, đấm liên tục vào đầu, lưng khiến nhiều người phẫn nộ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Nhung Em (ngụ tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho biết shipper bị hành hung trong đoạn clip là cháu trai của chị. Hiện tại, nam tài xế (SN 2003) vẫn còn hoảng sợ, chưa thể trao đổi trực tiếp với người khác.
“Cháu của tôi bị trầy xước ngoài da, đau ở bụng và chân, tâm lý thì hoảng sợ. Đến hôm nay, cháu chưa đi làm được và phải nghỉ ở nhà một ngày để ổn định tinh thần. Tối qua, cháu có kể cho tôi nghe sự việc nhưng tôi không ngờ cháu bị đánh đến mức như thế. Khi đoạn clip ghi lại cảnh cháu bị đánh được đăng lên mạng xã hội, gia đình tôi xem qua và rất bức xúc”, chị Nhung Em cho biết.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 29/9, trên địa bàn phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy vào thời điểm xảy ra sự việc, một nhóm trẻ em đang cùng chơi trượt patin ở giữa con đường, nơi có nhiều phương tiện qua lại. Bỗng nhiên, một bé gái trong nhóm bất ngờ trượt sang phía bên kia đường. Lúc này, nam tài xế đang chở khách đi ngang qua, vô tình tông trúng bé gái.
Cú tông khá mạnh khiến tài xế xe công nghệ, hành khách và bé gái ngã xuống đường. Một người thân của bé gái chạy đến đỡ bé dậy và tri hô cho người nhà. Riêng nam tài xế và hành khách đau đớn sau cú ngã, vẫn chưa thể gượng dậy được.
Sau tiếng tri hô, một người đàn ông bất ngờ chạy đến, đá vào lưng, đấm vào đầu của nam tài xế. Khi chàng trai giải thích, người này chẳng những không ngừng chửi bới mà tiếp tục tát vào mặt của anh.
Nam tài xế chỉ có thể cố gắng phân trần, đồng thời hỏi thăm hành khách đi cùng.
Theo chị Nhung Em, một người tự xưng là người đàn ông hành hung nam tài xế trong đoạn clip đã chủ động xin lỗi và hẹn gặp mặt để làm hòa. Tuy nhiên, gia đình chị không đồng ý và dự định sẽ trình báo sự việc cho cơ quan chức năng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
“Nhà lầu, xe hơi” ế ẩm, tiểu thương khóc ròng giữa chợ vì mùa vu lan lỗ vốn
Không còn nhộn nhịp như trước
Hơn 14h, khu chuyên doanh vàng mã tại Chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) bắt đầu có khách lui tới. Dù đã vào cao điểm buôn bán mặt hàng phục vụ cho tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch), các sạp tại đây vẫn kém cảnh nhộn nhịp so với thông lệ.
Đang loay hoay soạn hàng ở quầy, bà Kiều (70 tuổi) ngán ngẩm khi nói đến tình hình kinh doanh vàng mã trong năm nay.
Bà Kiều cho hay, dù vật giá leo thang, bà vẫn không tăng giá sản phẩm để níu chân khách. Các mặt hàng tại sạp vẫn giữ giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh vẫn không mấy khả quan.
“Tôi bán hàng tại chợ đã hơn 50 năm, chưa từng thấy cảnh buôn bán đìu hiu như năm nay. Thời điểm này những năm trước, tôi và 4 nhân viên phải quay từ sáng đến tối để chuẩn bị hàng, không có thời gian nghỉ ngơi, bán “sướng tay”. Nhưng giờ rõ ràng sức mua giảm mạnh. Tháng 7 năm nay, doanh thu của tiệm dự kiến hụt hơn một nửa”, bà Kiều nói.
Vì nhu cầu của người dân không còn như trước, một số mối sỉ của bà Kiều đã dần… biến mất. Những mối hàng còn liên lạc cũng giảm số lượng đặt hàng vì sợ tồn kho.
Năm nay, các sản phẩm có tạo hình nhà lầu, xe hơi không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, người dân chọn mua giấy bạc, vàng mã đơn giản để đốt trong tháng “cô hồn” vì giá thành rẻ hơn.
Theo nhận định của bà, nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. Ngoài ra, chùa chiền cũng hạn chế đốt vàng mã trong tháng “cô hồn” này.
Chị Thương (40 tuổi), tiểu thương chuyên doanh vàng mã tại khu chợ, cũng lắc đầu ngao ngán khi cả buổi sáng chỉ có vài ba khách lui tới.
“Vì lượng khách giảm, chúng tôi không dám nhập hàng số lượng lớn như trước, giờ chủ yếu bán hết món nào mới nhập thêm hàng đó về bán. Tình hình kinh doanh khó khăn thế này đã kéo dài từ đầu năm đến nay”, chị Thương than thở.
Làm 3 tháng, ăn cả năm
Buôn bán ở khu chợ Thiếc đã hơn nửa thế kỷ, bà Kiều bộc bạch, sạp hàng vàng mã này là “chén cơm” của cả gia đình. Bà chủ sạp càng không nỡ sa thải những nhân viên đã gắn bó hàng chục năm, dù doanh thu bán ra chỉ vừa đủ gồng gánh các chi phí.
“Đối với mặt hàng này, chúng tôi chỉ trông chờ vào tháng Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh và rằm tháng 7 âm lịch. Việc kinh doanh có thể nói là “làm 3 tháng, ăn cả năm”. Nhưng giờ, cả 3 tháng mùa vụ chủ chốt đều gặp khó. Tết vừa rồi tôi còn lỗ vốn”, bà Kiều bộc bạch.
Chị Mỹ Lệ (ngụ tại TPHCM) là người chuyên nhận gia công các mặt hàng vàng mã trong tháng “cô hồn”, cung cấp hàng cho các tiểu thương tại chợ cho biết mỗi ngày có thể kiếm khoảng 120.000 đồng cho việc gia công giấy màu. Chị chia sẻ, công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn.
“Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn, các mặt hàng vàng mã không còn bán chạy như trước nên thu nhập của tôi cũng bị ảnh hưởng không ít”, chị Lệ chia sẻ.
Lái xe từ quận Tân Phú sang quận 11, bà Muối (70 tuổi) cho hay, vào các tháng đặc biệt như này, bà thường lấy sỉ hàng về bán cho khách vãng lai. Năm nay, bà dự định chỉ nhập số lượng ít về bán vì thấy nhu cầu sử dụng của người dân giảm, sợ sẽ tồn kho.
“Tiền lãi bán được chỉ đủ đi chợ, không lãi nhiều nên tôi cũng không kỳ vọng. Tôi cũng như các tiểu thương khác mong qua thời điểm khó khăn này để việc kinh doanh tốt hơn”, bà Muối nói.
Quanh khu chợ Thiếc, các sạp hàng kinh doanh vàng mã nhìn chung chỉ lác đác khách. Phía bên trong quầy, tiểu thương kiên nhẫn ngồi chờ khách, ai nấy đều thấm tình hình khó khăn.
Trước đây, tiểu thương có thể đóng cửa, hết hàng sớm vẫn có doanh thu “khủng”, nay nhiều sạp cố mở đến chiều tối cũng không “vớt” được thêm đáng kể.
Mới đây, báo cáo tài chính tổng hợp quý III của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán: CAP) cho thấy, trong cấu phần doanh thu xuất khẩu, sản phẩm giấy vàng mã chỉ mang về 30,7 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Lần thoát chết “thót tim” giữa đêm của nữ tài xế xe ôm công nghệ
21h, tài xế Uber 50 tuổi, Nolwazi Mtshekexe (sống tại Nam Phi), nhận cuốc xe tại Soweto. Đây là một góc đường nổi tiếng của tỉnh Johannesburg, thường xuyên có nhiều vụ cướp xảy ra.
Dù biết đón khách vào giờ này là rất nguy hiểm, nhưng cô đành liều một phen vì muốn kiếm tiền nuôi gia đình.
Hành khách là 3 người đàn ông, yêu cầu cô lái xe đến một hộp đêm ở Rosebank, cách đó 35 km, với giá 150 rand (khoảng 200.000 đồng). Họ có vẻ đã say rượu và hai trong ba người đàn ông dường như có mang theo vũ khí. Điều này khiến cô cảm thấy rất sợ hãi.
Những người đàn ông không nói lời nào, ngay lập tức ngồi vào xe của cô và hỏi rằng: “Vì sao bà lại làm việc vào giờ này?”.
“Chồng tôi đã mất, tôi phải làm việc để nuôi 3 đứa con”, cô nói. Sau đó, nhóm người này đã im lặng. Khi gần tới điểm đến, họ thừa nhận muốn cướp xe của cô nhưng lại thấy cô đáng thương. Vì thế, họ quyết định tha cho cô lần này và yêu cầu cô không nên đi lại vào ban đêm.
“Lần sau, chúng tôi sẽ không tử tế như thế này nữa”, một trong ba người đàn ông nói.
Mặc dù đã thoát chết trong gang tấc, Mtshekexe vẫn tiếp tục làm việc ca đêm vì cô không còn sự lựa chọn nào khác. Đây không phải lần đầu cô gặp tình huống này bởi cô từng bị cướp rất nhiều lần.
Mtshekexe nằm trong nhóm tài xế nữ ở Johannesburg. Họ tự gọi mình là “những người lái xe đêm”, thường xuyên chia sẻ các mẹo an toàn hoặc cảnh báo nhau về các mối nguy hiểm. Mtshekexe từng nghe kể nhiều câu chuyện về những tài xế nữ bị tấn công hoặc cướp xe, sau khi họ đón nhiều hơn một khách hàng nam vào ban đêm.
Nam Phi đứng thứ ba ở Châu Phi về chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu. Các thành phố như Johannesburg, Cape Town và Durban là một trong số các thành phố nguy hiểm nhất thế giới về các vụ cướp xe, cướp có vũ trang, giết người.
Theo ước tính của Fairwork, một dự án nghiên cứu toàn cầu về công việc tự do, báo cáo năm 2023 cho biết có khoảng 135.000 người làm việc tự do dựa trên nền công nghệ ở Nam Phi. Trong đó, những tài xế xe công nghệ thường là người lớn tuổi.
Ndabezinhle Khoza, tổng thư ký của Hiệp hội gọi xe Nam Phi, cho hay các công ty như Uber, Bolt và inDrive không có biện pháp an ninh hiệu quả và thường phản ứng chậm chạp trong các trường hợp khẩn cấp.
“Các tài xế lớn tuổi đang gặp vấn đề về sức khỏe và có thể thấy khó khăn trong việc tự vệ”, ông nói.
Năm 2016, một tài xế Uber, Winnie Mzilankatha, đã bị cướp xe và điện thoại di động. Hai năm sau, một nhóm người đã tịch thu xe của cô vì cho rằng nữ tài xế đón khách trong địa bàn của họ. Winnie phải trả 1.000 rand (1,3 triệu đồng), thu nhập của cả một ngày, để lấy lại xe.
Sau hai sự cố đó, cô từng nghĩ đến chuyện không làm tài xế nữa. Nhưng ở tuổi 50, Winne cảm thấy bế tắc vì không biết làm gì để nuôi 3 người con.
“Tôi bị huyết áp cao. Chân tôi luôn đau và tôi mệt mỏi. Khi nhóm cướp nhìn thấy tôi, chúng dễ dàng lợi dụng tôi”, cô nói. Nữ tài xế cho rằng các hãng xe công nghệ cần dành một quỹ cho những tài xế lớn tuổi để họ dễ dàng nghỉ hưu hơn.
Hãng xe công nghệ Bolt chia sẻ rằng họ đã nắm được các thông tin liên quan đến những nguy hiểm xung quanh tài xế công nghệ lớn tuổi. Họ đang thử nghiệm tính năng xác minh hành khách để cải thiện sự an toàn của tài xế.
Phía cảnh sát cho biết cũng đang phối hợp với các hãng xe công nghệ để tìm ra giải pháp cải thiện an ninh cho tài xế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- 1
- 2
- 3
- 4
- Next Page »