Sáng chủ nhật, khi những nhân công trẻ trong công ty chọn ngủ nướng, thư thả sau một tuần cày cuốc, người cao tuổi xung quanh làm những việc tận hưởng cuộc sống tuổi xế chiều thì ông Đinh Doãn Phi Hải (SN 1964, ngụ tại TPHCM) vẫn mải miết với lịch trình hàng ngày. Ngày cuối tuần của ông bắt đầu với bài tập đạp xe thể dục để tự trải nghiệm, kiểm tra sản phẩm chính mình làm ra.
Ông Hải thắt chiếc đai hỗ trợ đầu gối, là sản phẩm mà ông đang nghiên cứu, chuẩn bị bung ra thị trường. Dạo mấy vòng thành phố xong, người đàn ông sắp bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” (70 tuổi) cất xe đạp, lấy xe máy chạy sang khu xưởng để sắp xếp số máy móc vừa mới đưa về.
Ông Hải vốn nổi tiếng là “vua đồ lót”, đã thành công với thương hiệu từng đánh bật nhiều đối thủ cả trong và ngoài nước. Thành quả của lần khởi nghiệp đó đủ để ông và gia đình vui hưởng tuổi già.
Ông cũng đã quyết định rời bỏ lĩnh vực sản xuất này khi thấy thị trường đã bão hòa, không còn nhiều tiềm năng. Nhưng dừng làm “vua đồ lót” không có nghĩa là nghỉ tay, buông việc. Ông chủ tuổi 70 vẫn quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa.
Nhất định làm chủ, không làm gánh nặng
“Tôi bắt mình không được sống như một cỗ máy, luôn tự nhắc mình và cũng dạy cho nhiều nhân viên khác phải luôn hướng tới tư duy làm chủ, nhất quyết không làm gánh nặng.
Lớn tuổi không đồng nghĩa với việc không làm gì nữa, vì đã sống thì phải sống thật xứng đáng. Là con người thì lúc nào cũng phải động não, sáng tạo, lao động cật lực, nếu không thì chỉ là sự tồn tại vô nghĩa!”, ông Hải dứt khoát.
Năm 2021, việc sản xuất, kinh doanh đồ lót gặp nhiều khó khăn. Ông Hải bàn giao lại việc ở mảng này cho vợ để chuyển đổi, thử sức ở một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những thử nghiệp thất bại nối tiếp dài.
Chạm đến mức thua lỗ, ông Hải xác định, đã đến thời điểm phải dừng lại tất cả, tìm một hướng đi mới hơn rồi… khởi nghiệp lại.
“Tôi không sợ thất bại, mà chỉ sợ bản thân không dám đứng lên. Nhiều người bạn đồng niên nói tôi… dở hơi, sao già rồi mà không nghỉ ngơi, khởi nghiệp làm gì nữa cho mệt. Nhưng mỗi người có lý tưởng sống riêng. Tôi mừng vì mình chưa hết “bệnh” hiếu kỳ, thích thử thách, chinh phục”, ông Hải cười xòa.
Rồi doanh nhân khởi nghiệp ở tuổi đã quá nửa con dốc bên kia của cuộc đời nhận tin mắc ung thư dạ dày. Ông được hướng dẫn ăn thuần chay, phải dành thời gian chăm lo sức khỏe, tập thể dục. Nhiều lần đạp xe, bị đau khớp gối khiến ông nảy ra ý tưởng thiết kế và kinh doanh đai bó gối. Trên thị trường, sản phẩm này hầu hết là hàng nhập, giá bán khá đắt. Ông quyết tâm tự sản xuất, làm hàng Việt với đủ sức đối đầu hàng ngoại nhập.
Dù không thiếu kinh nghiệm trong ngành may mặc, ông chủ U70 vẫn thừa nhận, kinh doanh đai bó gối có quá nhiều thử thách. Sản phẩm yêu cầu thiết kế khoanh tròn đệm chính giữa đai ôm trọn đầu gối, đảm bảo mọi cử động của người sử dụng đai phải thật linh hoạt.
Nhiều đêm, ông Hải không ngủ, cứ trằn trọc tìm cách hoàn thiện sản phẩm. Căn nhà thành ra xuyên đêm lạch cạch tiếng máy may. Mất thời gian dài nghiên cứu, chỉnh sửa, ông Hải cũng hoàn thiện sản phẩm. Ông đạp xe 40km/ngày để tự thử nghiệm tính ứng dụng của chiếc đai bó gối do chính tay mình làm.
Ông chủ từng nắm trong tay gia tài “khủng” giờ lại tự chạy vạy khắp nơi lo việc khởi nghiệp, từ chuyện tìm nguyên vật liệu, đối tác cung cấp, kiếm khách hàng. Nhận hết lời từ chối này đến cái lắc đầu khác, ông vẫn không nản chí.
Và rồi, nỗ lực, kiên trì cũng mang tới cho doanh nhân khởi nghiệp U70 những hợp đồng đầu tiên. Rồi sản phẩm của ông nhận được đơn đặt hàng số lượng lớn từ các cửa hàng thiết bị y tế.
“Vượt qua được khó khăn, đạt được những thành công đầu tiên luôn là cảm giác sung sướng khó tả, dù là khi còn trẻ hay lúc đã… già đầu”, ông Hải chiêm nghiệm.
Để đủ sức sản xuất cho những đơn hàng sắp tới, ông chủ U70 đã đầu tư hàng tỷ đồng cho khu nhà xưởng 500m2, sắm máy may tự động, máy cắt laser.
Người đàn ông U70 bộc bạch, khởi nghiệp lại từ đầu ở tuổi này có nhiều điểm khác biệt so với thời trai trẻ. Ở tuổi này, ngoài có sẵn vốn liếng về tài chính, ông còn có thế mạnh về kinh nghiệm, sự kiên trì. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là thách thức để bắt kịp công nghệ hiện đại và tìm nguồn lực thích hợp cho việc sản xuất.
Xóa bỏ định kiến “khởi nghiệp không dành cho người cao tuổi”
Ông Hải sinh trưởng trong một gia đình đông con ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm 18 tuổi, ông nghỉ học vì bố mẹ đã cạn sức nuôi con. Sau nhiều ngày tháng phụ gia đình làm nông, ông được người chú dạy cho nghề làm đường mía. Được bố cho 7 chỉ vàng làm vốn, ông Hải bắt đầu ngày tháng khởi nghiệp.
Thời ấy, nghề mía đường rất thịnh, chàng trai 18 tuổi nhanh chóng trở thành một trong những người giàu có nhất làng, là chủ của xưởng sản xuất đường mía với hàng chục nhân viên. Mỗi mùa mía, ông Hải kể có thể “bỏ túi” hàng chục cây vàng. Ở 26 tuổi, ông đã tích cóp được vài trăm cây vàng.
Tuy nhiên, đến năm 1996, biến cố xảy ra khiến ông mất sạch tài sản, lên TPHCM với hai bàn tay trắng.
“Trong khoảng thời gian đó, tôi như bị rơi xuống đáy, từ chỗ làm chủ, lưng vốn tới vài trăm cây vàng, trở thành không còn gì cả. Tôi tuyệt vọng, nhốt mình trong phòng suốt 1 tháng, không gặp ai”, ông Hải kể lại.
Sau một thời gian được gia đình động viên, ông mới sang xưởng của chị gái để học nghề, phụ dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu Đông Âu. Lần đầu tiếp xúc với máy may, học được cách đi một đường may đẹp, tính hiếu kỳ của ông Hải trỗi dậy trở lại.
Càng học, ông thấy càng say mê. Cậu trai quê mới lên thành phố vốn không dám ra khỏi nhà vì sợ bị lạc đường đã bắt đầu tự chạy xe đi khắp nơi, tập nhớ tên những con đường, tuyến phố nơi thị thành.
“Dạo quanh thành phố, tôi mới thấy nơi này rộng lớn và nhiều cơ hội quá. Nếu dừng lại, chẳng phải mình sẽ bỏ lỡ nhiều thứ hay ho sao? Tôi quyết định phải làm lại tất cả. Còn người, còn của!”, ông Hải quả quyết, giọng chắc nịch.
Muốn khởi nghiệp hàng may mặc nhưng không có vốn, ông vay mẹ 2 cây vàng ra chợ Nhật Tảo (quận 10) mua máy may. Tuy nhiên, chiếc máy may thời ấy rất đắt, ông cố xin ông chủ cho mua nợ, rồi trả góp dần.
Ông nhận đơn hàng nhỏ, lẻ để thử tay nghề. Nhờ sự cố gắng, ông dần gây dựng được niềm tin, khách tìm đến nườm nượp.
“Chỉ kiếm được vài đồng trên mỗi chiếc áo, quần nhưng tôi vẫn thấy quý, bởi đó là sức lao động chân chính của mình”, ông Hải bộc bạch.
Từ một chiếc máy may trả góp, ông chủ tích cóp thêm tiền, mua thêm 4 chiếc máy nữa. Khi được bố chia cho 20 cây vàng, ông Hải quyết định mở xưởng rộng 500m2, thuê 40 công nhân, đầu tư làm thương hiệu đồ lót nam.
Nhờ sự sáng tạo trong kinh doanh, hằng tháng, ông cung cấp ra thị trường hơn 200.000 sản phẩm, “phủ sóng” từ Cà Mau đến Đà Nẵng.
Có thời điểm xưởng may của ông dời xuống huyện Củ Chi vì cần diện tích lớn, xây dựng tới 2.500m2, với 200 công nhân. Những nhân viên bán hàng cốt cán của công ty đều được ông Hải tặng ô tô để đi làm.
Ông Hải luôn dạy nhân viên về tư duy làm chủ, khích lệ mọi người làm thuê là để đến một ngày đủ lông, đủ cánh mà bung ra, thành ông chủ. Những người tâm đắc theo ông giờ đều đã có sự nghiệp cho riêng mình. Trong số đó, một số người quý mến ông Hải nay còn quay lại hỗ trợ khi hay tin ông khởi nghiệp lần nữa.
“Nhìn lại hành trình khởi nghiệp dài đằng đẵng, tôi cảm thấy bản thân đã sống một cuộc đời xứng đáng, không hề nuối tiếc. Tôi không sợ vấp ngã, chỉ sợ ngã rồi bản thân không dám đứng lên”, ông chủ U70 cười mãn nguyện.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm