Ông Nguyễn Văn Cảnh (55 tuổi, ngụ tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là giáo viên mỹ thuật tiểu học, có nghề tay trái làm tranh vỏ tràm.
Ngôi nhà nhỏ của ông Cảnh nằm ngay bìa rừng ngập nước của Vườn quốc gia Tràm Chim. Ngôi nhà có một nửa diện tích neo trên mặt nước này cũng chính là xưởng tranh.
Ông Cảnh chia sẻ, nghề giáo có 3 tháng nghỉ hè và những ngày nghỉ cuối tuần rảnh tay, ông thường tranh thủ làm tranh để thỏa đam mê và kiếm thêm thu nhập. Nhà cạnh rừng, ông tự vào rừng kiếm những chất liệu tự nhiên sẵn có để làm tranh, chủ đề cũng là cảnh sắc thiên nhiên.
“Lội vào rừng, cỏ năn, vỏ tràm hay vụn gỗ tôi đều lấy về làm tranh được, sản phẩm hoàn thành cũng rất đẹp.
Trong những lúc vào rừng, tôi ghi nhớ khung cảnh thiên nhiên như sếu bay, sếu kiếm ăn, hay mặt trời đổ bóng trên vạt rừng, lấy đó làm chủ đề cho tác phẩm”, ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, trong rất nhiều chất liệu tìm được, ông nhận thấy vỏ tràm có phẩm chất đặc biệt nhất. Từ một tấm vỏ dày bóc ra từ cây tràm cổ thụ, ông tách được khoảng 200 lớp, mỗi lớp lại có màu khác nhau, từ đen, xám, trắng, xanh rêu đến hồng.
Từ khi nhận ra ưu việt của vỏ tràm, 13 năm nay ông Cảnh chuyên tâm làm tranh với chất liệu này.
“Mỗi lần vào rừng tôi chỉ lấy một tấm vỏ tràm, rộng khoảng 2m2. Vỏ tràm thô vốn đã khô, lại không thấm nước nên không cần phơi.
Từ tấm vỏ này, tôi tách được khoảng 200 lớp giấy tự nhiên, tương đương lượng vật liệu rất lớn, đủ dùng trong 15 ngày, làm được 10 bức tranh khổ lớn cỡ 0,8x1m. Những lớp vỏ tách ra bị rách tôi sẽ dùng làm tranh khổ nhỏ, dùng hết mới vào rừng lấy tiếp”, ông Cảnh chia sẻ.
Đến nay, ông Cảnh đã làm được hơn 3.000 tác phẩm tranh vỏ tràm. Có 2 tác phẩm “Sếu gọi xuân về” và “Vũ điệu trong nắng mới” được khách đặt nhiều, ông Cảnh làm với số lượng lớn. Sản phẩm được ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm của ông Cảnh thường được các đơn vị đặt làm quà biếu, hoặc được khách du lịch mua làm quà lưu niệm. Tùy kích thước, mỗi bức tranh có giá từ 100.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Ông Cảnh cho biết, vì là sản phẩm nghệ thuật nên chỉ khi có cảm hứng mới làm được, không làm “kiểu công nghiệp” nên khó nói mất bao lâu mới hoàn thành một tác phẩm. Có những bức tranh ông hoàn thành trong một buổi, nhưng có khi 10 ngày vẫn chưa làm xong một bức.
Đơn hàng lớn nhất ông Cảnh từng nhận được đơn đặt hàng 100 bức tranh cỡ nhỏ. Hàng ngày lượng khách đặt tranh vẫn đều, cả khách trong nước và quốc tế.
“Màu tranh, keo dán tôi cũng đều lấy từ rừng, khách du lịch quốc tế đến xem tôi làm đều tỏ ra thích thú. Họ tâm đắc vì sản phẩm hoàn toàn tự nhiên.
Từng có doanh nghiệp muốn đặt tôi làm tranh với số lượng lớn, đều đặn để bán sang châu Âu. Dù rất tiếc nhưng tôi phải từ chối vì không thể làm kịp, cũng không thuê người làm phụ được”, ông Cảnh kể.
“Sinh ra và sống giữa rừng Tràm Chim, tôi muốn làm tranh sếu đầu đỏ từ vỏ tràm. Đây đều là những nét đặc trưng của quê hương tôi. Những bức tranh này sẽ theo khách đi xa, giới thiệu với muôn phương về cảnh sắc, con người Đồng Tháp”, ông Cảnh bộc bạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm