Xã Tiến Thành được xem là thủ phủ của cây nhân trần tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Theo ông Hà Danh Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2024, địa phương này có 12,5ha, trong đó, tập trung nhiều ở xóm Tân Yên A.
Cây nhân trần du nhập vào vùng đất này khoảng 40 năm trước. Ban đầu người dân trồng trong vườn, đun nấu làm nước giải nhiệt. Dần dần, loài cây này được thị trường ưa chuộng nên diện tích ngày càng được mở rộng.
Nhân trần là loài cây có khả năng chịu hạn tốt và thích hợp trồng ở các cánh đồng cao. Một điều đặc biệt, loài cây này, nắng càng to, cây càng xanh tốt, tuy nhiên, chiều cao lý tưởng của cây nhân trần vào thời điểm thu hoạch khoảng 80cm.
Khoảng tháng 5, khi hoàn thành việc gieo cấy lúa hè thu, người dân sẽ xuống giống, trồng nhân trần. Sau 3 tháng, cây nhân trần có thể thu hoạch.
Gia đình ông Nguyễn Khắc Đức (xóm Tân Yên A, xã Tiến Thành) trồng 3 sào nhân trần, tương đương 1.500m2, dự kiến năng suất hơn 2 tạ/sào.
“Cây nhân trần dễ trồng, ít sâu bệnh, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thấp. Trung bình mỗi sào nhân trần chỉ bón 7-8kg đạm, ngoài ra có thể bón phân lân nhưng với lượng rất hạn chế. Trong vòng đời của cây, chỉ cần cấp nước 3 lần, tuy nhiên, trồng cây nhân trần rất vất vả, tốn nhiều ngày công lao động để làm cỏ”, ông Đức cho hay.
Vào khoảng tháng 8, khi nhân trần nở hoa, người dân bắt đầu thu hoạch. Hoa nhân trần ra chùm nhỏ, có màu tím lam khá đặc biệt. Vào mùa nở hoa, cánh đồng nhân trần như một thảm xanh mướt xen lẫn màu tím rất đẹp mắt.
Nếu như trước đây, cây nhân trần được thu hoạch cả rễ, hiện nay, theo yêu cầu của các đơn vị thu mua, nhân trần phải cắt gốc. Do gốc cây khá cứng nên việc thu hoạch cũng mất khá nhiều công sức và thời gian.
Việc thu hoạch nhân trần thường thực hiện trong thời điểm ngày nắng nóng vì còn liên quan đến phơi khô cây.
Thời điểm hiện tại, giá nhân trần được thương lái thu mua 18.000-20.000 đồng/kg, loại đã phơi khô. Trung bình, mỗi sào nhân trần cho thu hoạch 4-5 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng lúa.
“Năm nay nhân trần rớt giá, lượng mua kém, có lẽ do nhiều người trồng. Năm ngoái nhân trần có giá 30.000-40.000 đồng/kg, có thời điểm lên 45.000 đồng/kg. Bởi vậy, dù trồng nhân trần vất vả nhưng giá trị kinh tế cao hơn hẳn trồng lúa, có khi gấp 3-4 lần”, bà Trần Thị Lý (xóm Tân Yên A) cho hay.
Nhân trần sau khi thu hoạch được phơi, trở đều dưới nắng cho đến khi lá cây có thể bóp vụn, giòn là được. Việc phơi đủ nắng ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc, chất lượng và khả năng bảo quản của cây nhân trần.
Nhân trần được phơi khô, bó thành các bó lớn, nhập cho các thương lái hay cơ sở chế biến trong xã.
“Năm nay giá nhân trần xuống thấp, chúng tôi chưa vội bán mà cho vào kho bảo quản, đợi giá lên. Do phơi phóng đảm bảo nên không sợ mốc, hỏng nhưng cây này rất hạp chuột, phải che chắn kỹ”, ông Bùi Huy Hạnh (xã Tiến Thành) nói. Vụ này, ông Hạnh trồng 4 sào, thu hoạch gần 1 tấn nhân trần thành phẩm.
Anh Nguyễn Sỹ Hải (xóm Cầu Máng, Tiến Thành), thành công với cơ sở chế biến trà nhân trần túi lọc. Việc sản xuất trà nhân trần túi lọc, không chỉ giúp người trồng tiêu thụ sản phẩm mà còn nâng cao giá trị kinh tế của loài cây trồng này.
Hiện, sản phẩm trà túi lọc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm), có thị trường tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm