Thời điểm tạm nghỉ việc để nghỉ ngơi, tập trung phát triển bản thân, định hướng lại con đường sự nghiệp, cân bằng trong cuộc sống và bắt đầu tìm kiếm nơi làm việc mới được gọi là career break (khoảng nghỉ sự nghiệp).
Đây là khía cạnh của văn hóa công sở được bàn luận nhiều trên các diễn đàn về nhân sự hiện nay, khi “chữa lành” bỗng thành một xu hướng mới.
Chúng tôi thực hiện một khảo sát với 10 người lao động dưới 35 tuổi cùng câu hỏi: “Bạn đã từng hoặc có ý định lên kế hoạch nghỉ việc sau một khoảng thời gian (thường là 5 năm) đi làm hay không?” và thu về nhiều ý kiến khác nhau. Có 5 người đã trả lời từng nghỉ việc khi họ đi làm khoảng 3 đến 5 năm; 3 người đang chuẩn bị tài chính để tạm nghỉ việc trong thời gian tới; số còn lại thì đang mơ hồ.
Dừng 1 bước để tiến 3 bước
Chị Nguyễn Anh Thư (25 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ về quyết định táo bạo khi nghỉ việc phiên dịch tại một công ty sau 3 năm đi làm. Chị kể vì được công ty giữ lại sau khi thực tập nên chị cứ thế mà vùi đầu vào công việc, chưa kịp nghỉ ngơi, tận hưởng.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ tuổi trẻ mình phải cố gắng hết sức để kiếm tiền, thăng tiến thật nhanh… Nhưng sau những tháng ngày “cày như trâu”, tôi chợt nhận ra mình đang dần đánh mất bản thân và cả niềm đam mê, sự nhiệt huyết. Tôi quyết định tạm nghỉ việc 3 tháng để tìm lại chính mình, thực hiện những dự định còn ấp ủ dù lúc đó lương và đãi ngộ rất tốt”, chị Thư kể.
Trong khoảng thời gian nghỉ việc đó, chị đã đi tình nguyện ở tỉnh Bình Thuận, học thêm các khóa học ngắn hạn về nhiếp ảnh – những thứ mà trước đây chị chần chừ làm vì công việc.
“Nếu không có khoảng nghỉ đó, có lẽ tôi sẽ không bao giờ được sống với đam mê của mình. Việc học hỏi, nâng cấp các kỹ năng cũng giúp tôi được đề bạt vào một vị trí cao với mức lương tốt hơn trước rất nhiều sau khi quay lại”, chị Thư cho hay.
Anh Viết Dũng (24 tuổi, ở H.Triệu Phong, Quảng Trị), một content freelancer (người làm việc tự do, chuyên tạo nội dung), chia sẻ vì làm việc tự do nên anh phải kỷ luật nghiêm ngặt với chính mình.
Anh kể: “Tôi quyết định tạm nghỉ việc khi nhận ra sức khỏe tinh thần của bản thân mình bất ổn. Không những vậy, cơ thể tôi cũng bắt đầu phát tín hiệu cầu cứu: đau dạ dày, lưu thông máu não kém. Khoảng nghỉ này đã giúp tôi nhìn nhận lại cuộc sống, biết yêu thương bản thân. Khi trở lại với công việc, tôi cũng thấy mình có nhiều năng lượng và sáng tạo hơn trước. Đặc biệt là bỏ được thói tham lam, không dám ôm đồm công việc nữa”.
Anh chia sẻ thêm, trước khi nghỉ việc nên có một khoản tiền dự phòng và lên kế hoạch sử dụng thời gian nghỉ hợp lý. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoảng nghỉ này sẽ rất dễ biến thành một “cú trượt dài”, khiến chúng ta thụt lùi, buông lỏng bản thân quá mức”.
Trở lại công việc như thế nào?
Dưới góc nhìn của một người quản lý, chị Minh (quản lý của một công ty tổ chức sự kiện ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) thú nhận rằng không chỉ người đi làm mà ngay cả những người quản lý, lãnh đạo cũng cần có khoảng nghỉ trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ việc đó, quay trở lại công việc như thế nào nên là một vấn đề đáng lưu tâm.
Theo chị Minh, khi bắt đầu đi làm lại, người lao động nên cân nhắc lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với mình, đừng quá vội vàng đưa ra quyết định, tránh mất thời gian đôi bên.
“Bước ra khỏi thời gian nghỉ ngơi thoải mái, chúng ta cần để cơ thể thích nghi từ từ. Nếu được, hãy vận dụng những điều hay, mới mẻ bạn đã học được trong kỳ nghỉ để nâng cao giá trị bản thân, hiệu suất công việc, thậm chí là thương lượng một mức lương tốt hơn với nhà tuyển dụng”, chị Minh nói và nhấn mạnh mỗi người có thể có nhiều hơn một khoảng nghỉ sự nghiệp trong đời. Không có gì phải xấu hổ nếu chúng ta thừa nhận bản thân mình đang cần nghỉ ngơi, cần dừng lại. Điều quan trọng là bình tĩnh, tin vào những điều mình đang làm, sớm hay muộn cũng sẽ về đến đích.
Lao động – Tin Tức Việc làm