Ước mơ đổi đời
Tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại, Nguyễn Văn Học (SN 1990, quê tại Bắc Ninh) làm công việc đầu tiên tại một công ty công nghệ ở Hà Nội. Chàng trai 22 tuổi khi ấy nuôi mộng xây dựng sự nghiệp, nhiều hoài bão trải dài trước mắt.
Thế nhưng, dự án do Học và đồng nghiệp đảm nhiệm trải qua trúc trắc, đi vào bế tắc. Không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ, anh dường như mất phương hướng và phải nghỉ việc khi đồng lương quá ít ỏi.
Năm 2014, được một người bạn giới thiệu về cơ hội làm việc và học tập tại Nhật, chàng trai quyết định lên chuyến bay sang quốc đảo, mang theo mơ ước đổi đời.
“Từ đầu, tôi xác định sẽ sang Nhật theo diện du học sinh, vừa kiếm tiền, vừa học hỏi để tuổi trẻ trải qua không lãng phí. Bản thân đặt ra mục tiêu sẽ đi một thời gian rồi nhất định trở lại quê hương vào một ngày nào đó”, chàng trai quyết tâm.
Ngày đầu tiên đặt chân sang Nhật, ấn tượng đầu tiên đối với anh chính là phong cảnh đẹp và thời tiết dễ chịu. Những chuyến tàu điện lúc nào cũng hối hả, dòng người chen nhau đi làm khiến cho anh cảm nhận guồng quay áp lực ở đất nước này. đi làm thuê về làm chủ
“Ở những lối đi riêng từ ga tàu dẫn đến các tòa nhà lớn, tôi phải chạy thật nhanh để không làm cản đường dòng người hối hả ùa đến các công sở. Trên chuyến tàu điện từ sân bay đến trường dạy tiếng Nhật ở Tokyo, tôi bất chợt thấy hình ảnh cô gái phụ tàu tranh thủ chợp mắt trong tư thế đứng.
Hình ảnh khiến tôi nhận ra, cuộc sống ở nước ngoài không phải là màu hồng. Người bản địa cũng rất vất vả mưu sinh. Vì thế, tôi chắc chắn sẽ phải trải qua nhiều thử thách hơn cả họ”, anh Học chia sẻ.
Để trang trải cuộc sống ở nước ngoài, Học xin vào làm công nhân tại các nhà xưởng chuyên đóng gói cơm hộp, phân loại hàng hóa, cho đến làm thêm tại khách sạn. Mỗi ngày, anh đều phải dậy từ sớm để kịp đến chỗ làm lúc 7h. Cái lạnh thấu xương của mùa đông ở Nhật bao lần khiến Học cảm thấy tủi thân, nhớ nhà rất nhiều.
“Công việc rất nặng nhọc, lại vừa học, vừa làm nên tôi thấy rất mệt mỏi. Tôi thường xuyên tự nhủ, dặn lòng phải nỗ lực hơn nữa, để chinh phục ước mơ”, anh nói.
Đi làm thuê, về làm chủ
Tiếng Nhật còn bập bẹ, Văn Học nhiều hôm thức đến khuya để luyện tập. Anh chủ động xin làm thêm tại các nhà hàng để được giao tiếp nhiều hơn. Sau nửa năm, kỹ năng ngôn ngữ của anh được cải thiện rõ rệt.
Nhờ sự nhanh nhẹn, tính chăm chỉ, anh Học đã nhận được sự tin tưởng của quản lý. Từ một nhân viên rửa bát, pha chế, anh được nhà hàng giao phụ trách tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho du học sinh Việt Nam.
Chỉ trong 1 năm, anh đã kết nối công việc cho rất nhiều đồng hương. Mỗi khi gặp lại những người mình đã từng giúp, anh Học thêm hạnh phúc khi nhận được lời cảm ơn ríu rít.
Năm 2016, Văn Học kết thúc khóa học tiếng Nhật tại trường, trở thành nhân viên chính thức của một khách sạn và được cấp visa lao động dài hạn. Nhận ra sở thích về ẩm thực của bản thân, anh còn xin làm thêm ở cửa hàng chuyên bán gà nướng yakitori.
“Tôi cảm thấy món ăn này rất thú vị vì người Nhật đã biến một món ăn bình dân thành thú ẩm thực nổi danh. Yakitori có nguyên liệu là gà công nghiệp nhưng có thể chế biến được hơn 100 món ăn từ các phần khác nhau của gà, kết hợp với muối hồng Himalaya, được nướng trên bếp than hồng”, chàng trai chia sẻ.
Qua nhiều tháng học việc, Văn Học đã thành thạo cách chế biến và thu hút được nhiều khách quen, giúp nhà hàng của anh tăng doanh thu gần gấp đôi.
Sau 5 năm làm việc tại Nhật, chàng trai nhận thấy yakitori là món ăn thú vị, chưa được phổ biến tại Việt Nam. Nhớ lại khao khát “đi làm thuê, về làm chủ”, Học thuyết phục chủ quán truyền nghề cho mình rồi mang hơn 1 tỷ đồng tiền tích cóp để trở về Hà Nội khởi nghiệp.
Thuần thục cách vận hành nhà hàng, chế biến món ăn, Văn Học chỉ gặp một chút khó khăn trong việc tìm cơ sở sơ chế và tách lọc các bộ phận của gà theo đúng chuẩn yakitori. Anh còn chủ động đi phát tờ rơi để thu hút những vị khách đầu tiên tới quán.
“Nhiều vị khách Nhật nhận xét yakitori tôi làm còn ngon hơn khi ăn tại đất nước của họ. Dần dà, tiếng lành đồn xa, càng có nhiều khách nước ngoài tìm đến nhà hàng của tôi”, anh hào hứng kể.
Mỗi ngày, 30 bàn tại quán luôn chật ních khách. Anh Học quyết định mở thêm một nhà hàng nữa, vẫn thu hút nghìn khách mỗi tháng. Đến nay, mỗi nhà hàng luôn có 10 nhân viên túc trực mới đảm bảo kịp phục vụ khách hàng.
“Nhìn lại hành trình của mình, tôi không hối hận khi lúc đầu chấp nhận đi làm thuê, mục tiêu của tôi là đi làm thuê nhưng về phải làm chủ. Trong quá trình ấy, sự nỗ lực, kiên trì, không ngừng học hỏi là những thứ quan trọng nhất, đem đến thành công cho tôi. Sắp tới, tôi hi vọng có thể mở rộng nhà hàng, cũng như tiếp cận được nhiều khách Việt hơn”, chàng trai chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm