Sáng 13/9, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và phương hướng 4 tháng cuối năm 2024.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị thuộc bộ và cán bộ, công chức Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.
Nhiều điểm sáng trong quan hệ lao động và tiền lương
Báo cáo với lãnh đạo Bộ, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, nêu bật những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng và thực hiện các chính sách lao động, quan hệ lao động và tiền lương.
Ông Hưng cho biết, năm 2024, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 văn bản pháp luật, bao gồm 3 nghị định và 3 thông tư. Đến nay, Cục đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 văn bản, gồm 1 nghị định và 1 thông tư, đúng theo tiến độ.
Đồng thời, Cục cũng đang hoàn thiện dự thảo của 2 thông tư khác và tiếp tục triển khai 2 nghị định bổ sung, tập trung vào quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như các quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.
Với vấn đề thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Sau quá trình tham mưu, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83-KL/TW (về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024) và Chính phủ đã triển khai các nghị định tương ứng.
Đặc biệt, trong năm 2024, Cục đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP về quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và Nghị định số 79/2024/NĐ-CP về cơ chế quản lý tiền lương cho Tập đoàn Viettel.
Ngoài ra, công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 đã được Cục hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp. Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Cục cũng tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Về hạn chế, Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng xác nhận, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, mặc dù không có biến động lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Đánh giá cao nỗ lực của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương song Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cũng đòi hỏi đơn vị chủ động hơn trong việc đề xuất các công việc mới, thay vì chỉ chờ giao nhiệm vụ.
Khắc phục tư tưởng sợ sai, không dám làm
Cũng ghi nhận những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại vai trò đầu mối trong công tác cải cách tiền lương và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37 về quan hệ lao động và ổn định thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bên cạnh những tiến triển tích cực, tại đơn vị vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần cải thiện. Ông nhận xét: “Cục làm việc có trách nhiệm, không ngại việc, giao gì làm đó, nhưng nhiều khi nắm tình hình không chắc, phản hồi chậm và thiếu kịp thời”.
Theo Bộ trưởng, thực tế, việc triển khai công việc của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương còn chậm, thiếu quyết liệt và đôi khi chưa phản ánh đúng vai trò của một cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng dẫn chứng những vấn đề còn tồn tại trong quản lý quan hệ lao động. Ông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ những cuộc tranh chấp tập thể và đình công trong các doanh nghiệp.
“Mặc dù số lượng các cuộc đình công đã giảm, nhưng ‘sóng ngầm’ trong nội bộ các doanh nghiệp vẫn lớn, đặc biệt là sự xuất hiện của các tổ chức đại diện người lao động không hợp pháp tại nhiều đơn vị. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Cục chưa nắm bắt được tình hình kịp thời”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Mặc dù đã thành lập các trung tâm hỗ trợ quan hệ lao động, nhưng theo Bộ trưởng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm này chưa rõ ràng. Ông cho rằng, sự phối hợp nội bộ trong Cục vẫn chưa đủ chặt chẽ và việc phân công nhiệm vụ giữa các cán bộ cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Một trong những vấn đề mà Bộ trưởng nhấn mạnh là tâm lý “sợ sai” của một số cán bộ. Ông khẳng định: “Có làm sai mới sợ, còn làm đúng thì không có vấn đề gì”.
Ông yêu cầu cán bộ của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ động, quyết liệt hơn trong công việc, không để tình trạng chậm tiến độ công việc tiếp diễn.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng nghiêm khắc đặt vấn đề xem xét lại tư duy và tinh thần làm việc. Ông yêu cầu cán bộ, công chức “xốc lại tinh thần”, để triển khai công việc hiệu quả, không được chậm trễ.
Bộ trưởng đề nghị, Cục nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các thông tư về tiền lương, đặc biệt là các quy định liên quan đến tiền lương của doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, tinh thần làm việc cần phải theo hướng “vừa chạy vừa xếp hàng”, tức là vừa hoàn thiện quy định, vừa lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan.
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu cân nhắc một số điểm quan trọng trong quá trình cải cách tiền lương. Các cải cách về tiền lương phải được triển khai đúng hạn, trước ngày 1/1/2025.
Kết luận nội dung làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương phải bám sát, nắm vững tình hình lao động, tiền lương và mức sống của người lao động.
Ông yêu cầu đơn vị đẩy mạnh cải cách, chủ động trong công việc, và không chậm trễ trong việc triển khai các nhiệm vụ đã được giao. Kế hoạch cải cách tiền lương và xây dựng các văn bản pháp lý cần phải hoàn thành đúng hạn, góp phần đảm bảo ổn định và phát triển bền vững cho thị trường lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm