Ngày 18.9, theo dữ liệu thống kê từ chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc Làm Tốt (Chợ Tốt), trong 8 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành nghề trong nước đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, với sự tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đáng chú ý, các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất bao gồm tài xế – kho vận (72%), xây dựng – bất động sản (53%), và thợ sửa chữa – công nhân (46%). Những lĩnh vực này đều đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phát triển cơ sở hạ tầng và logistic, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, các ngành như bán hàng, thu ngân, tiếp thị cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể với 38%. Tiếp theo là lễ tân (31%); tạp vụ, giúp việc (27%); an ninh, bảo vệ (25%); nhân viên văn phòng (25%) và ngành F&B (22%). Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu lao động phổ thông tăng cao, đặc biệt tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp quy mô lớn.
Nếu xét về khu vực địa lý, nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP.HCM tăng cao nhất với 23% trong một số ngành, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Hà Nội xếp sau với mức tăng khoảng 11%, tập trung vào các ngành bán buôn, bán lẻ, và công nghiệp chế biến. Các khu vực kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục là nơi có nhu cầu nhân lực cao nhất nước.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong những tháng qua nhưng các doanh nghiệp vẫn không tuyển được người. Thị trường lao động vẫn chứng kiến một nghịch lý là người thất nghiệp vẫn còn nhiều, nhưng các doanh nghiệp không tuyển được nhân sự thích hợp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 2/2024, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước. Tính riêng lứa tuổi thanh niên (15 – 24 tuổi) thì Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo.
Cũng theo Việc Làm Tốt, mặc dù thị trường và nền kinh tế trong nước có nhiều khởi sắc từ đầu năm cho tới nay, nhưng theo khảo sát từ Việc Làm Tốt với 300 doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự số lượng lớn (chủ yếu là doanh nghiệp thâm dụng lao động), cho thấy có khoảng 85% doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt có 30% doanh nghiệp báo cáo thiếu hụt hơn một nửa nhân sự cần thiết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Xem bảng dưới đây từ dữ liệu của Việc Làm Tốt.
STT | Thực trạng lao động ở các doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2024 |
Tỷ lệ (%) |
1 | Đủ và dư thừa lao động | 15% |
2 | Thiếu hụt dưới 30% | 26% |
3 | Thiếu hụt 30 – 50% | 29% |
4 | Thiếu hụt nhiều trên 50% | 30% |
Lao động – Tin Tức Việc làm