Theo hồ sơ vụ án, năm 2019, bà Nguyễn Ngọc Phương Quyên (39 tuổi, ngụ tại TPHCM) được Công ty cổ phần Tân Thanh nhận vào làm việc với vai trò giám sát thu mua hàng hóa. Năm 2022, người phụ nữ này và bên sử dụng lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn với mức lương hơn 12 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình làm việc, bà Quyên phụ trách việc mời, chọn nhà thầu, nhà cung cấp để đấu thầu cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo trì, cải tạo các cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động của công ty.
Bà Quyên cho biết, ngày 2/2/2022 (tức Mồng 2 Tết) có một nhà thầu gợi ý tặng quà bà, gọi là tiền lì xì mừng năm mới. Bà Quyên xem đây là hoạt động bình thường, theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Đồng thời, nữ nhân viên cho rằng, vào thời điểm nghỉ Tết mọi quan hệ cho – nhận tiền lì xì của mình không liên quan đến công việc.
Ngày 27/9/2022, phía người sử dụng lao động làm việc với bà Quyên để xác minh, làm rõ việc nhận lì xì. Đến ngày 13/12/2022, công ty ban hành quyết định sa thải bà Quyên. Bị đơn cho rằng nguyên đơn đã “tham ô”, “yêu cầu hiện vật/quà tặng/”hoa hồng”… từ phía đối tác”.
Bà Quyên cho rằng quyết định trên của người sử dụng lao động không đúng. Chủ doanh nghiệp đã thu thập chứng cứ, chứng minh lỗi của vi phạm của người lao động không đúng, dẫn tới quyết định sa thải trái quy định. Bà cho rằng trong sự việc này không chứng minh được “lỗi”. Việc bà nhận tiền là bị động, do hoàn cảnh, hành động không nằm trong nội quy, điều cấm.
Từ đó, người phụ nữ này khởi kiện Công ty Tân Thanh ra TAND quận 7 yêu cầu bồi thường hơn 202 triệu đồng.
Nguyên đơn nói, hành vi tặng lì xì của nhà thầu là hoạt động mừng tuổi bình thường theo phong tục Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Quyên cũng giải thích, việc nhận lì xì không nằm trong chủ đích của mình.
Ngoài ra, nữ nhân viên cũng nêu vấn đề, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết và trình tự, thủ tục ban hành quyết định sa thải không đúng quy định pháp luật.
Ngược lại, bị đơn khẳng định, phía công ty xử lý kỷ luật đối với bà Quyên là đúng quy định nên đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người này.
Tháng 9/2023, TAND quận 7 xét xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Quyên. Không chấp nhận phán quyết trên, người phụ nữ này kháng cáo theo hướng đề nghị TAND TPHCM hủy bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của mình.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Quyên giữ nguyên kháng cáo và trình bày nhiều quan điểm chứng minh cho yêu cầu của mình và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Ngược lại, bị đơn cũng cương quyết rằng, phía người sử dụng lao động có đủ chứng cứ, chứng minh hành vi của nguyên đơn. Quá trình xử lý kỷ luật đúng trình tự, thủ tục nên đề nghị tòa bác đơn kháng cáo của bà Quyên, tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, toàn diện các nội dung. Nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu chứng minh và không thuyết phục nên không có căn cứ xem xét, chấp thuận.
(* Tên các đương sự đã được thay đổi).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm