Giữa tháng 10, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, Quyền giám đốc Trung tâm Sinh học ứng dụng (Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh) cho biết, những cây dừa sáp đầu tiên nhân giống bằng phương pháp cấy mô ở Việt Nam đã ra trái, năng suất cao, chất lượng tốt.
Những cây dừa này là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và kỹ thuật thâm canh dừa trồng giống nuôi cấy mô”, với kinh phí 10,5 tỷ đồng do Bộ NN&PTNT đầu tư, Trường Đại học Trà Vinh là đơn vị thực hiện.
Việc nghiên cứu bắt đầu từ năm 2017. Có 200 cây dừa cấy mô đầu tiên được đưa ra trồng ngoài thực địa từ 3 năm trước.
“Cây thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở Trà Vinh, sai trái, tỷ lệ trái có sáp gần tuyệt đối, chất lượng đồng đều. Đến nay, trên thế giới chưa có đơn vị nào thương mại hóa dừa giống cấy mô, có thể nói chúng ta đang đi tiên phong”, ông Trai cho biết.
Cũng theo ông Trai, trái dừa có sáp là một dạng đột biến, bị mất một phần gen di truyền. Đột biến này tuy khiến trái dừa thơm ngon, béo ngậy hơn, nhưng cũng khiến chúng không thể nảy mầm.
Điều này dẫn đến việc người dân chỉ có thể dùng những trái dừa chất lượng thấp từ cây dừa sáp bố mẹ để ươm giống. Những cây giống này chất lượng không đồng đều, kéo theo tỷ lệ trái có sáp thường thấp hơn 25%.
“Với công nghệ mới, sản phẩm sẽ có chất lượng đồng đều, sản lượng cây giống sẽ cao hơn. Từ đó kỳ vọng giảm giá thành xuống dưới 100.000 đồng/cây, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận”, ông Trai cho biết.
Tuy nhiên ông Trai cho biết thêm, quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô vẫn cần hoàn thiện và có những đánh giá đầy đủ, dự kiến có thể thương mại hóa trong 5 năm tới.
Dừa sáp là loại trái cây đặc sản của Trà Vinh, giá trị kinh tế cao gấp 10 lần dừa thường. Dừa sáp thơm ngon, béo ngậy, giá bán tại vườn có thể trên 100.000 đồng mỗi trái.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm