Không còn “dễ xơi”
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khoa học máy tính tại một trường top đầu Hà Nội vào năm 2018, Long dễ dàng tìm được một công việc đúng chuyên ngành với mức lương khởi điểm đã hơn 15 triệu đồng/tháng. Trung bình hơn 1 năm, Long nhảy việc một lần để nâng lương, từ 15 triệu lên 20 triệu, rồi 30 triệu, 40 triệu trong vòng 5 năm.
“Từ khi ra trường tôi đã nhận được nhiều offer, tuần nào cũng có bên săn nhân sự liên hệ mời thử việc, có tuần vài ba cuộc gọi, tin nhắn. Nhưng từ năm ngoái đến nay hiếm hoi lắm mới có cuộc gọi như thế mà chủ yếu tìm những vị trí yêu cầu rất cao và mức lương không như kỳ vọng”, Long nhận xét.
Những nhân sự IT (kỹ sư công nghệ) như Long xem nhảy việc là chuyện bình thường để nâng hạng lương sau một vài năm làm ở một công ty. Bởi cơ hội công việc luôn dồi dào và mức lương thường được trả theo số năm kinh nghiệm. Nhưng giờ đây mọi việc không dễ dàng như vậy.
Long so sánh: “Những lần nhảy việc trước đây tôi phỏng vấn 2 vòng, giờ đã tới 5 vòng. Thực sự rất oải. Những câu hỏi sàng lọc, kiểm tra trình độ bên tuyển dụng đưa ra cũng khó hơn nữa, yêu cầu công việc cao hơn nữa”.
Điều quan trọng là mức lương không đổi, thậm chí thấp hơn so với trước đây khiến cho Long hụt hẫng và có phần sợ hãi. Sau 1 tháng miệt mài nộp hồ sơ và đi phỏng vấn, Long quyết định dừng lại, tiếp tục công việc hiện tại với khối lượng nhiều hơn, áp lực hơn và mức lương thì không thay đổi.
“Không dễ xơi như trước nữa. Phải chấp nhận chuyện này vì rõ ràng thực tế thị trường vẫn tiếp tục thời điểm khó khăn, khi cả dân công nghệ trên thế giới lẫn ở Việt nam đều sa thải hàng loạt”, Long thở dài.
Tự mình “layoff” sau một năm công ty gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, Nguyễn Minh Tuấn (27 tuổi, Hà Nội) loay hoay suốt 7 tháng qua vẫn chưa tìm được việc làm mới: “Có thể vì suốt 4 năm đi làm mình đã không được va chạm với các công nghệ mới và những dự án thử thách hơn” Tuấn nhìn nhận.
Dù vẫn có công ty sẵn sàng tuyển, Tuấn đành từ chối vì lương giảm tới 30% so với mức cậu nhận được trước khi nghỉ công ty cũ.
Nguyễn Hồng Nhung, một headhunter (người chuyên săn nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin) ở Đà Nẵng cho biết so với năm ngoái, tình hình năm nay đỡ căng thẳng hơn, các doanh nghiệp ít sa thải hơn nhưng thị trường việc làm nhìn chung vẫn ảm đạm.
Theo Nhung, vấn đề của năm nay là lương giảm và các yêu cầu công việc phải cao hơn. Nhung cho biết, cô thường làm việc với các đối tác nước ngoài và thành thạo giao tiếp ngoại ngữ như một yếu tố bắt buộc với mọi nhân sự tuyển dụng. Trước đây, kỹ sư IT chỉ cần biết cơ bản tiếng Anh chuyên ngành là có thể làm việc được. Nhưng giờ đây, tiếng Anh phải đạt chứng chỉ B2 hoặc tiếng Nhật mức N2 trở lên, giao tiếp trơn tru mới mong có cơ hội.
Áp lực lương và yêu cầu công việc
Một báo cáo về tình hình việc làm ngành IT được công bố bởi Navigos mới đây cho thấy, so với năm 2023, tỉ lệ cắt giảm nhân sự bộ phận IT trong các doanh nghiệp giảm. Tuy nhiên, số lao động trong ngành này bị thôi việc trong năm 2023 vẫn chưa tìm được công việc mới trong năm nay vẫn ở mức cao, lên tới hơn 60%.
Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng công nghệ của một tập đoàn lớn ở TPHCM cho biết, lượng đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam trong năm nay đã dồi dào hơn do lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ. Tuy nhiên, so với nhu cầu công việc trong nước lại chưa đáp ứng được:
“Đơn hàng về nhiều hơn nhưng nguồn nhân lực trẻ mới ra trường khoảng 2-5 năm kinh nghiệm rất lớn. Hơn nữa, mức lương cho cùng một vị trí, cùng số năm kinh nghiệm giảm khoảng 10-30% so với 2 năm trước”, Long khái quát.
Headhunter Hồng Nhung cũng cho biết, có nhân sự cô tuyển dụng đã phải hạ mức lương xuống gần một nửa so với mức lương cũ để giữ được việc làm vì không có nhiều vị trí tương tự để lựa chọn. Cô kể, nhân sự này đã đi làm nhiều năm, đến cấp giám đốc công nghệ rồi, mức lương cũ khoảng 5.000 USD. Vậy mà nay người này sẵn sàng nộp hồ sơ vào một vị trí với mức lương khoảng 70 triệu đồng, tức là chỉ bằng một nửa lương từng nhận.
Ngoài ra, theo Trưởng phòng công nghệ Nguyễn Thanh Long, lượng nhân lực gia nhập thị trường tăng mạnh khiến mức cạnh tranh trong ngành này ngày càng gay gắt. So với 10 năm trước thì cả chuyên môn kỹ thuật và khả năng ngoại ngữ của nhân sự trẻ hiện rất tốt nhưng số lượng quá đông, trong khi lượng việc mới không nhiều khiến ai cũng chật vật hơn để tìm việc.
Trực tiếp tuyển dụng ứng viên, Thanh Long cho biết vì cạnh tranh cao nên yêu cầu với các ứng viên cũng trở nên khắt khe hơn. Long cho biết mình có nhiều bộ lọc để có thể tìm được ứng viên ưng ý nhất. CV quá nhiều nên Long ưu tiên xem xét những nhân sự tốt nghiệp đại học trường top, người học cấp tốc trong khoảng 1 năm gần như không có cơ hội…
Trở về giá trị thật
Ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao tại công ty Trapets Vietnam, Scandinavian Software Park, người quan sát thị trường nhân lực IT nhiều năm qua cho rằng cho dù mức lương ngành này đã giảm nhiều nhưng đây vẫn là một trong những ngành có mặt bằng thu nhập cao trên thị trường lao động. Mức giảm lương của nhân sự IT, theo ông, là tất yếu, thực chất là đưa mức lương ngành này về với giá trị thật.
“Nhân sự IT trước đây bị thổi phồng giá trị đôi chút. Những năm trước, khi các doanh nghiệp khát người thì thường họ sẽ chấp nhận việc có người để làm. Rồi cũng có những câu chuyện về mức lương khủng được thổi phồng lên, khiến cho mức kỳ vọng bị đẩy lên cao. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, khi ngành công nghệ bùng nổ thì chính các lập trình viên trẻ tuổi cũng tương đối ảo tưởng về giá trị bản thân, dẫn đến mức lương lập trình viên bị đẩy lên quá cao”, ông Đức phân tích.
Ông Đức nhớ lại có giai đoạn bùng nổ, việc tuyển dụng rất khó vì nhân sự yêu cầu quá cao. Việc này theo ông cũng sẽ khiến cho nhiều người mất đi cơ hội để tham gia những dự án hay vì chỉ quan tâm đến thu nhập. Và khi bối cảnh thị trường thay đổi, doanh nghiệp không còn khát người như trước thì chắc chắn mức lương sẽ được cân bằng lại.
Các chuyên gia tuyển dụng ngành IT cũng cho rằng, kỳ vọng mức lương ở thời kỳ bùng nổ của thị trường sẽ khiến cho nhân sự dễ thất vọng và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội được học hỏi. Trong khi đó, sự xuất hiện và phát triển của AI là khó lường trước, đặt các lập trình viên trong tình thế “có thể bị thay thế bất cứ lúc nào”.
“Thực tế đến giờ, ứng dụng AI vào công việc đã giúp giải quyết khoảng 80% công việc đơn giản của lập trình viên một số mảng. Vài ba năm nữa mức thay đổi cũng khó hình dung”, ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Đức, sự suy giảm của ngành IT trong hai năm qua đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước yêu cầu phải thay đổi. Bởi trong suốt thời kỳ phát triển nóng, các công ty startup thường sống nhờ những đơn hàng từ các nước phát triển. Thực tế này khiến doanh nghiệp bị phụ thuộc vào yêu cầu từ bên ngoài.
Với chuyên gia này, những khó khăn trong thời gian qua cũng là một bộ lọc, để các doanh nghiệp có chiến lược lâu dài mới có thể tồn tại và những nhân sự có năng lực mới có thể bám trụ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm