Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào ngày 31/10, khu vực chợ Võ Xá (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nước lũ rút chậm nên chưa thể giao thương trở lại.
Trong ngày, nhiều tiểu thương, chủ cửa hàng kinh doanh cùng nhân công tận dụng dòng lũ rút chậm để dọn dẹp, vệ sinh lại vật dụng, hàng hóa.
Cơn lũ trên sông Nhật Lệ ập tới vào tối 27/10 khiến nhiều tiểu thương tại chợ Võ Xá không kịp trở tay. Trong đó, ki ốt kinh doanh vàng mã của hộ bà Tuyển (62 tuổi) chịu thiệt hại nặng nề.
“Nước tràn vào chợ rất nhanh, lúc cao nhất khoảng 1,5m. Đêm tối lại không có điện sáng, chúng tôi không kịp di dời tài sản nên vàng mã, vải vóc ngập trong nước. Lũ rút, phần lớn hàng hóa đã thành rác thải. Chúng tôi giờ phải dọn dẹp và mang đi vứt bỏ”, bà Tuyển nói và ước tính thiệt hại hàng hóa khoảng hơn 500 triệu đồng.
Cửa hàng tạp hóa của ông Nguyễn Hùng (72 tuổi) nằm trên phố Hùng Vương, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Thời điểm lũ cao nhất trên sông Kiến Giang, cửa hàng của ông Hùng bị ngập khoảng 1,6m khiến hàng hóa hư hỏng, cuốn trôi. Ông Hùng nhẩm tính thiệt hại khoảng gần 40 triệu đồng.
Cũng tại thị trấn Kiến Giang, chị Luyến (38 tuổi) đang tất bật vệ sinh đồ đạc, sạp bán hàng. Gia đình chị Luyến kinh doanh hoa quả, mưa lũ khiến gia đình chị thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Vợ chồng ông Hiệp (60 tuổi) bán hoa quả bên hông chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Lũ rút để lại một lớp bùn dày 5-10cm tại nơi họ kinh doanh.
Lũ khiến nhiều hàng hóa là lương thực, thực phẩm bị ngâm trong nước. Một số tiểu thương cho hay họ chỉ còn cách phơi khô để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Tiểu thương chợ Tréo (thị trấn Kiến Giang) tích cực dọn dẹp vệ sinh để sớm kinh doanh trở lại.
Mưa lũ trong những ngày cuối tháng 10 tại Quảng Bình khiến 7 người chết, 4 người bị thương. Chỉ riêng tại “rốn lũ” huyện Lệ Thủy, ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 300 tỷ đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm