Những băn khoăn về mức khởi điểm và cách xếp lương
Chính sách tiền lương dành cho nhà giáo đang trở thành một trong những điểm nóng trong quá trình xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật hiện tại quy định lương của nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đồng thời có thêm các khoản phụ cấp tùy thuộc vào tính chất công việc và vùng công tác.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.

Một tiết dạy học của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Góp ý cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chỉ rõ, dù dự thảo luật nêu nguyên tắc lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, song, việc thiếu quy định rõ ràng về mức khởi điểm có thể gây khó khăn trong quá trình xếp lương.
Đại biểu Hùng đề nghị bổ sung nội dung nguyên tắc lương khởi điểm nhà giáo tối thiểu cao hơn 1-2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá cao quy định lương nhà giáo xếp cao nhất là nhân văn, nhưng băn khoăn về cách thực hiện trên thang bảng lương hiện tại (theo vị trí việc làm và ngạch bậc) và tương lai.
Ông đặt câu hỏi liệu nhà giáo được xếp theo ngạch bậc của vị trí tuyển dụng hay tất cả đều vào loại A3. Đại biểu băn khoăn về tính hợp lý của việc này đối với giáo viên ở các cấp học khác nhau, đồng thời đề nghị làm rõ để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Xét theo bảng lương hiện nay, nếu giáo viên được xếp vào loại A3 với hệ số khởi điểm 6.2 và bậc cuối là 8.0, mức này sẽ ngang hàng với giáo sư và giảng viên cao cấp theo hệ thống chức danh hiện nay.
“Nếu quy định như vậy đã đảm bảo tính hợp lý của nhà giáo được tuyển dụng ở tất cả các bậc học trong giáo dục hay chưa? Nếu thế sẽ đưa hết tất cả vào nhóm cao nhất là A3 của công chức thì trong nội bộ giáo viên đã hợp lý chưa thì cũng phải tính thêm”, đại biểu Tô Văn Tám trăn trở, đồng thời đề nghị cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo tính khả thi cao hơn khi luật được thông qua.
Theo Thông tư 01/2021 của Bộ GD&ĐT, việc xếp lương giáo viên các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) hiện được phân thành 3 hạng: hạng 1, hạng 2, hạng 3, tương ứng với các hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1, A2.2) và loại A1.
Vậy, loại A3 có gì khác biệt? Dựa trên các quy định hiện hành, viên chức loại A3, bao gồm nhóm 1 (A3.1) và nhóm 2 (A3.2). Trong đó, hệ số lương của viên chức loại A3 thuộc nhóm 1 dao động 6.2-8.0 và nhóm 2 ở mức 5.75-7.55. Với mức lương cơ sở hiện tại là 2,34 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP), có thể tính được mức lương cụ thể của viên chức loại A3 cụ thể như sau:

Các chức danh và bảng lương của viên chức loại A3 (Tổng hợp: Huyên Nguyễn).
Mức lương của giáo viên năm 2025
Trong bối cảnh đó, việc nắm bắt thông tin về mức lương hiện tại của giáo viên các cấp là vô cùng cần thiết để có sự đối chiếu và hình dung rõ hơn về những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai.
Tiền lương giáo viên là viên chức hiện nay được tính bằng công thức: Tiền lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương.
Do đó, toàn bộ bảng lương giáo viên năm 2025 chi tiết áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng như sau:




Bảng lương giáo viên hiện tại (Tổng hợp: Hoa Lê).
Như vậy, với cách xếp lương hiện tại, mức lương giáo viên cao nhất là gần 16 triệu đồng/tháng và mức lương thấp nhất là 4,9 triệu đồng/tháng. Còn viên chức ở nhóm A3, mức cao nhất là 18,720 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 13,455 triệu đồng/tháng. Mức lương trên chưa bao gồm các khoản trợ cấp, phụ cấp khác.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm