Sáng 7/5, phát biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) quan tâm đến vấn đề đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo bà Trân, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nhà nước sẽ bỏ cơ chế “biên chế suốt đời”, tới đây chắc chắn nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở khu vực nhà nước có khả năng mất việc khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, nữ đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp với cán bộ công chức trong bộ máy.
Bà Trân nhận định đây là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị (Ảnh: Phạm Thắng).
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng sửa luật Việc làm lần này cần hướng tới mở rộng phạm vi điều chỉnh với mọi đối tượng là người lao động, bao gồm cả người trong độ tuổi, ngoài tuổi mà vẫn có nhu cầu làm việc, nhân sự trong khu vực doanh nghiệp và cả cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Đồng, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp, nhất là khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
“Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó mà dù vẫn có khả năng lao động nhưng phải rời khỏi công vụ”, đại biểu gợi ý dành sự quan tâm về chính sách việc làm trong dự luật với đội ngũ nhân lực rời khu vực nhà nước.
Ông lo khả năng Luật Việc làm “bỏ quên” nhóm cán bộ công chức, đối tượng cũng cần bảo hiểm thất nghiệp.
Liên quan đến vấn đề điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết khi mất việc, dù là bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động vẫn đương nhiên được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Người lao động chỉ mất quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng nộp bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, bà Tâm nêu vấn đề.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm