Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu ý kiến về quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo dự thảo, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Ảnh: QH).
Trên thực tế, bà Trân cho biết, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Tôi cho rằng đối với các trường hợp này thì nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu”, đại biểu kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp khấu trừ lương nhưng không đóng BHTN
Cũng thảo luận về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) dẫn dự luật quy định: “Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Đại biểu nêu thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ lương của người lao động hàng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng này.
Từ đó, dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Ảnh: QH).
“Trong khi đó trách nhiệm thu bảo hiểm thất nghiệp là của cơ quan Bảo hiểm xã hội, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng … là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng khi cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động”, đại biểu cho hay.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung khoản 2 Điều 40 dự luật như sau: “Người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Theo đại biểu, hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý (xử phạt hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ) để đòi lại khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp từ người sử dụng lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm