Vào tháng 4 âm lịch, những cánh đồng kê vàng dọc bờ sông Bồ tại thành phố Huế đang bước vào mùa thu hoạch. Đây là loại cây truyền thống của nông dân xứ Huế, được gieo trồng từ lâu để cung cấp sản phẩm cho thị trường vào các dịp lễ lớn như rằm tháng 4, 5, 7 và đặc biệt là Tết Đoan Ngọ 5/5.
Bà Lê Thị Hà, một nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, cho biết, gia đình bà đã trồng hơn 2 sào kê vàng để bán cho thương lái. Loại kê này, còn được gọi là kê đỏ, kê đuôi cáo hay kê ta, có hạt nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng cao.

Người dân thường bắt đầu gieo trồng vụ kê Đông Xuân từ tháng 11 và 12 âm lịch. Thời gian sinh trưởng và thu hoạch kéo dài từ 90 đến 95 ngày.
Bà Hà cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất năm nay đạt từ 150 đến 180kg kê hạt/sào, với giá bán từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Phú, một nông dân khác tại thôn Niêm Phò, cho biết trồng kê không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng đòi hỏi công sức trong việc dặm tỉa và làm cỏ. Cây kê dễ bị nhầm lẫn với cỏ và dễ đổ ngã khi gặp gió mạnh, do đó cần cắm cọc và làm giàn đỡ.
Ông Trương Công Tuấn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 1, cho biết khu vực này có gần 3ha trồng kê, tập trung ở các thôn Niêm Phò, Phò Nam A, Phò Nam B, Tân Xuân Lai. Kê cũng được trồng nhiều ở phường Hương Xuân và các xã Quảng Phú, Quảng Thành.

Theo ông Tuấn, kê có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây ngắn ngày khác như đậu, lạc, ngô. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mặn mà mở rộng diện tích trồng.
Hạt kê, còn gọi là tiểu mễ, cốc tử, bạch lương túc, là một loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng, được dùng để chế biến nhiều món ăn quen thuộc như bánh đa kê, cháo kê, chè kê.
Cây kê có nguồn gốc từ Ấn Độ và phổ biến ở các vùng khô hạn như châu Á, Bắc Phi, Nam Mỹ.
Hạt kê chứa nhiều tinh bột, protein, lipid, canxi, photpho và sắt, cùng các vitamin B1, B2, được mệnh danh là ngũ cốc “vàng” của thiên nhiên. Tại Huế, chè kê là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ đặc biệt.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm