Thức xuyên đêm để phục chế tư liệu quý
Chỉ còn vài năm nữa là bước vào tuổi nghỉ hưu, ông Sơn bộc bạch bản thân vẫn còn rất “mặn mà” với nghề.

Ông Sơn ngồi tại bàn làm việc, bên cạnh tấm tư liệu cổ vừa được phục chế (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Mái tóc đã chuyển sang màu bạc, nhưng ông Sơn khẳng định việc thức xuyên đêm để phục chế những tư liệu quý, cũ kỹ nhất, vẫn là chuyện “không có gì khó” đối với ông.
Ông Sơn nói nửa đùa, nửa thật rằng: “Đây là cái nghề chẳng có ai quan tâm, chẳng có ai tò mò muốn biết”. Nhưng đối với ông, hơn 35 năm làm nghề đã mang lại cho ông nhiều giá trị đáng quý.
“Tôi nhớ nhất những lần phải lặn lội đến các đền, chùa ở An Giang để thuyết phục thân nhân hoặc người trông coi di tích cho phép phục chế tài liệu cổ. Chúng tôi gần như phải “gõ cửa từng nhà”. Người dân xem tài liệu cổ như báu vật, cất giữ rất kỹ và hạn chế cho người lạ động vào vì tính linh thiêng. Tuy nhiên, họ lại không biết cách bảo quản, khiến tài liệu cổ bị hư hỏng nặng”, ông Sơn nói.

Ông Sơn thực hiện khôi phục sắc phong cho đình thần Giai Xuân tại TP Cần Thơ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đội ngũ của ông Sơn nhiều lần phải kiên nhẫn giải thích, trình bày quy trình phục chế, cho người dân tận mắt xem sản phẩm đã hoàn thiện… thì họ mới yên tâm. Có nơi sau khi thấy kết quả, người dân cảm kích đến mức sẵn sàng gửi hẳn bản gốc về trung tâm để bảo quản, chỉ giữ lại bản sao làm kỷ vật tại chỗ.
Không ít nơi thờ cúng một nhân vật lịch sử hàng trăm năm nhưng không rõ đang thờ ai và tiểu sử như thế nào, bởi tài liệu đã bị hư hỏng, không thể đọc được. Những sắc phong thời Nguyễn rất quý vì chỉ có một bản duy nhất, dạng như “khai sinh” cho một làng để được thờ Thành Hoàng.
Có lần, tôi và đội ngũ được dịp về Bình Định phục chế sắc phong của ông Trần Đức Hòa – đây là sắc phong cho cá nhân, rất hiếm. Sau khi phục chế, tôi làm bản sao tặng lại cho gia đình, còn bản chính lưu tại kho Trung tâm”, ông Sơn kể.
Một số tài liệu cổ quý ông Sơn từng khôi phục và tu bổ có thể kể đến như sắc phong dòng họ Nguyễn Mai Đạo Đạt (tỉnh Hà Tĩnh), sắc phong triều Nguyễn cho 5 đình, chùa ở TP Cần Thơ, thư tịch cổ Chăm – Ninh Thuận, bản đồ và sổ bộ Hán Nôm…

Ông Sơn cùng đơn vị thực hiện tu bổ và tạo lập bản sao sắc phong dòng họ Trần Đức (Cống quận công Trần Đức Hòa) tại tỉnh Bình Định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo ông Sơn, ông từng tiếp nhận những tài liệu hư hỏng rất nặng, bị gấp nếp, mốc hoặc dính chặt, bị vỡ ra từng mảnh và thậm chí có thể biến thành… tro bụi nếu lật mạnh tay.
“Công đoạn khó khăn nhất trong quy trình phục chế không phải kỹ thuật mà là sự kiên nhẫn. Có những tờ sắc phong mở ra là rách nát, khiến tôi bị căng thẳng. Có khi mở ra rồi phải đóng lại vì tâm lý chưa ổn định.
Lắm lúc tôi phải cắt từng mảnh nhỏ ghép lại y như khuôn gốc, làm đúng hình dáng tài liệu ban đầu, xuyên đêm mới hoàn thành. Mệt đến mức mờ mắt, tay chai sạn nhưng cảm xúc vỡ òa khi phục chế thành công một tài liệu cổ, sung sướng khó tả lắm”, ông Sơn kể.
Khi bắt tay vào phục chế, các chuyên viên phải đánh giá kỹ lưỡng từng tài liệu, xác định chất liệu giấy, mức độ axit hóa, mốc, dính chặt… Từ đó, họ mới lựa chọn cách làm sạch bằng bàn chải mềm, thuốc tím, xăng hoặc cồn. Tài liệu sau khi vệ sinh sẽ được làm phẳng, ghép mảnh, bồi giấy theo đúng hình dáng ban đầu.

Nhiều tư liệu có tuổi đời hàng trăm năm dễ hư hỏng nếu xử lý sai cách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Có những tài liệu giấy dó cổ pha đất sét, khi gặp nước sẽ biến thành chất keo dính hai mặt. Trong trường hợp này, thay vì cố gắng tách ra và làm rách tài liệu, các chuyên viên sẽ giữ nguyên hiện trạng, chờ công nghệ phát triển hơn hoặc sử dụng kỹ thuật phản chiếu ánh sáng để đọc nội dung mà không cần mở trang.
Nguyên tắc bất di bất dịch là không được dùng băng keo, không làm thay đổi cấu trúc văn bản.
Những con người thầm lặng
Theo ông Sơn, vật liệu dùng để phục chế tài liệu cũng là một thách thức không nhỏ. Một cây cọ nhập từ Nhật có giá tới 100 USD, giấy dó nhập khẩu có thể lên đến hàng chục triệu đồng/cuộn.
Sau nhiều năm làm nghề, ông Sơn đã nảy ra ý tưởng thay cọ bằng chiếc bay dùng trong xây dựng chỉ với giá vài chục nghìn đồng. Ông còn ra tận Bắc Ninh, tham khảo cách làm và nhập giấy dó ở làng nghề để tiết kiệm chi phí.
“Tất cả là vì đam mê, khao khát muốn lưu trữ và “hồi sinh” tư liệu lịch sử cho dân tộc. Phục hồi thêm một tài liệu là tôi cảm thấy rất hạnh phúc thêm một lần”, ông Sơn trải lòng.

Bà Cù Thị Dung, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ – Trung tâm lưu trữ quốc gia II (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Bà Cù Thị Dung, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ – Trung tâm lưu trữ II, cho hay ông Sơn là người có thâm niên lâu năm nhất tại đây.
“Phục chế là một trong những công đoạn quan trọng và khó khăn nhất tại trung tâm. Việc phục chế thường áp dụng với tài liệu cổ, dễ gãy nát. Giấy vẽ ngày xưa rất giòn, dễ mục. Một số bản đồ được vẽ bằng mực Tàu hoặc mực dầu nên càng khó bảo quản.
Thông thường, phục chế một bản đồ đơn giản mất khoảng nửa ngày, với 2-3 người cùng làm. Một số tài liệu Hán Nôm như “sổ bộ” cũ thường bị mốc, dính chặt vào nhau, cần xử lý rất cẩn thận”, bà Dung nói.

Kho lưu trữ của Trung tâm lưu trữ quốc gia II (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Hiện tại, riêng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có 17 nhân sự, phụ trách các công việc phục vụ độc giả, quản lý kho và công bố tài liệu. Đơn vị làm việc chủ yếu dựa trên nhu cầu của độc giả gửi đến trung tâm.
Mỗi năm, có khoảng 3.300 lượt khai thác tài liệu, với khoảng 500 người đăng ký. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn thấp do tài liệu lưu trữ khó tiếp cận, chủ yếu phục vụ giới nghiên cứu, còn sinh viên ít khai thác vì mất thời gian, cần nhiều kiên nhẫn.
Độc giả đến trung tâm cần mang theo giấy tờ tùy thân và thực hiện đăng ký khai thác tài liệu qua hệ thống trực tuyến. Trong phiếu đăng ký sẽ bao gồm thông tin cá nhân, mục đích khai thác… Sau đó, bộ phận quản lý khai thác sẽ xem xét hồ sơ, chuyển lên cấp phòng để ký duyệt, và tiếp theo là lãnh đạo trung tâm.
Khi được phê duyệt, độc giả sẽ được cấp quyền truy cập các hồ sơ phù hợp với chủ đề mà họ đăng ký. Chẳng hạn, nếu nghiên cứu về “phong trào chống Pháp”, họ sẽ được cung cấp tất cả tài liệu liên quan đến giai đoạn đó, được đóng gói trong các hộp hồ sơ. Độc giả sẽ chọn tài liệu cần thiết từ danh sách và điền vào phiếu yêu cầu.
Với các tài liệu chưa số hóa, bộ phận kho lưu trữ sẽ tìm và cung cấp hồ sơ bản gốc. Còn các tài liệu đã số hóa thì sẽ được cấp quyền truy cập ngay trên tài khoản cá nhân của độc giả để đọc trực tuyến. Quy trình này có thể hoàn tất trong nửa ngày, hoặc chậm nhất là ngày hôm sau tùy vào số lượng người yêu cầu.
Ngoài ra, có một số hồ sơ thuộc diện “hạn chế khai thác” do yếu tố vật lý (tài liệu cũ, mục nát) hoặc nội dung nhạy cảm. Muốn khai thác loại này cần có sự cho phép ở cấp cao hơn, hoặc độc giả phải chứng minh được mục đích sử dụng chính đáng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm