Sáng 15/3, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Hội nghị giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững” nhằm định hướng về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trong tình hình mới, đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Aeon Mall Huế thông tin, sau khi khai trương, trung tâm này có nhu cầu tuyển dụng 2.000-2.500 nhân lực. Sau đó, doanh nghiệp sẽ triển khai việc đào tạo hành vi căn bản và quy định làm việc cho tất cả các nhân viên để họ thích nghi với phong cách làm việc theo tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao.
Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay toàn tỉnh có 839.011 người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên. Số lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế là 610.085 người, tỉ lệ thất nghiệp 1,8%, tỉ lệ lao động qua đào tạo chung toàn tỉnh đến năm 2023 đạt 72,05%.
Giai đoạn 2024-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu giải quyết việc làm cho 34.600 người; đưa 4.150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chất lượng việc làm tại Thừa Thiên Huế còn thấp, công việc ở một số doanh nghiệp không ổn định nên tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, thất nghiệp vẫn diễn ra; kỹ năng, ý thức kỷ luật của một số lao động còn hạn chế.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, muốn tạo việc làm bền vững phải đi từ gốc là đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường, để khi ra trường, người lao động có thể kiếm được việc làm trong bất cứ bối cảnh nào.
“Kỹ năng của người lao động cần được đào tạo một cách linh hoạt để thích ứng với thị trường lao động thường xuyên thay đổi, có vậy mới tạo ra việc làm bền vững. Thực tế, không phải một nhân sự được đào tạo, ra trường rồi chỉ làm cho một doanh nghiệp đến khi nghỉ hưu”, ông Bình nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Việc làm nhận định, thị trường lao động đang có sự thay đổi về cơ cấu kỹ năng việc làm. Việt Nam hiện hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về việc làm xanh và kỹ năng xanh trên thị trường lao động.
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước, ông Bình đề nghị Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Việc làm xây dựng bản đồ kỹ năng nghề, trên cơ sở nghiên cứu thị trường lao động, qua đó xác định ngành nghề, chương trình đào tạo phù hợp, tránh lãng phí.
Thừa Thiên Huế cần xác định những lĩnh vực thế mạnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề để cung cấp cho thị trường lao động; xây dựng đề án trung tâm giáo dục nghề nghiệp quốc gia, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhập khẩu các chương trình đào tạo, tạo cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân cùng tham gia
“Phải xác định đây là một đề án cấp quốc gia thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và được Chính phủ thông qua”, Cục trưởng Cục Việc làm khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, hội nghị lần này nhằm định hướng về phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo việc làm bền vững cho người lao động trong tình hình mới.
Theo ông Bình, các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp thu, đổi mới tham mưu UBND tỉnh việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm phát triển đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm