Nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển. Tỉnh này cũng là địa phương có diện tích và trữ lượng muối nhiều nhất trong cả nước với các vùng sản xuất muối tập trung ở ven biển, trong đó chủ yếu là huyện Đông Hải và Hòa Bình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ năm 1986 đến năm 2016, bình quân mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường 100.000 tấn muối. Những năm về sau, sản lượng có giảm, giai đoạn 2021-2023 bình quân mỗi năm gần 27.000 tấn.
Nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề thủ công truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình sản xuất và phát triển. Tuy hiệu quả sản xuất không cao, cuộc sống diêm dân gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều người vẫn luôn duy trì, bảo tồn nghề làm muối.
Hiện nay, diêm dân Bạc Liêu làm muối với 2 hình thức chủ yếu là trên sân đất (truyền thống) và sân trải bạt.
Nhiều người có điều kiện ứng dụng cơ giới hóa vào quy trình làm muối như sử dụng một loại máy có gắn con lăn lớn để làm mặt bằng sân được nén chắc hơn.
Tuy nhiên, có những hộ vẫn sử dụng công cụ truyền thống để làm sân (Ảnh: CTV).
Toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.400 ha sản xuất muối, trong đó diện tích trải bạt khoảng 196 ha. Theo ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất muối đã giảm, chủ yếu do diêm dân chuyển đổi sang nuôi thủy sản.
Bên cạnh việc giảm về diện tích, diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, mùa khô đến chậm, trong mùa khô xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa; số giờ nắng trong ngày ít, không khí lạnh tăng cường đã làm tăng thời gian tích trữ nước ót ở sân kết tinh nên ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng muối.
Trong năm 2023, chi phí sản xuất với mô hình truyền thống là hơn 25 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất muối trải bạt chi phí bình quân hơn 52 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 33 triệu đồng/ha.
Hạt muối Bạc Liêu có nhiều tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại muối khác như: Màu trắng, trắng hồng, ánh xám; không mùi, có vị mặn không đắng; hạt khô ráo và rất chắc; có hàm lượng NaCl rất cao (≥ 95%), hàm lượng Magiê (≤ 0,55%), Canxi (≤ 0,1%) và Sunfat thấp nên muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, dịu ngọt rất độc đáo.
Diêm dân dùng máy thu hoạch muối, giảm nhân công, tiết kiệm thời gian đang được nhiều người có điều kiện áp dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh kinh tế của diêm dân đa số khó khăn thì vùng sản xuất muối của tỉnh trên nền phù sa yếu nên hàng năm phải đầu tư cải tạo lại, từ đó việc cơ giới hóa ngành muối gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Theo ngành nông nghiệp Bạc Liêu, nghề muối của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Chi phí sản xuất còn cao, giá bán của sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm và công sức của diêm dân; điệp khúc “được mùa mất giá” xảy ra thường xuyên;
Diêm dân có thu nhập thấp, bấp bênh nên đời sống không ổn định, chưa sống được bằng nghề muối, thường phải đi làm thuê kiếm sống.
“Tỉnh Bạc Liêu khó khăn về điều kiện giao thông nên không thuận lợi trong công tác kêu gọi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư cho nghề muối nói riêng”, lãnh đạo ngành nông nghiệp Bạc Liêu cho biết.
Ông Trần Ngọc Khanh (bìa phải, ngụ xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, nghề muối là nghề truyền thống. Ông đã làm nghề này hơn 35 năm, trải qua biết bao thăng trầm của nghề. “Tôi làm nghề này tới khi nào mất mới thôi, chứ không chuyển nghề khác vì yêu quá rồi”, ông Khanh tâm sự và cho rằng nếu không yêu nghề thì khó mà trụ nổi
Làm muối phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, phần nữa là thị trường giá cả nên theo ông Khanh, diêm dân mỗi năm làm vụ muối đều rất nhiều tâm trạng.
“Thời điểm này cũng chưa có lời, nắng khoảng một tháng nữa thì ngon. Muối có giá từ 1.000 đồng/kg trở lên thì bà con diêm dân cũng đỡ, nhưng từ đầu năm đến nay lại giảm nên rất lo.
Năm ngoái đầu vụ giá 1.500 đồng/kg cho đến cuối vụ; còn năm nay giảm còn 900 đồng/kg. Nếu 900 đồng mà nắng tốt thì còn lợi, chứ lỡ có đám mưa thì coi như xong, bà con xách giỏ về nhà luôn”, diêm dân hơn 35 năm làm muối chia sẻ (Ảnh: CTV).
Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo kế hoạch, dự kiến tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tiên tổ chức Festival muối vào tháng 11/2024.
Nhiều diêm dân cho biết, họ kỳ vọng đây là dịp để quảng bá thương hiệu, kêu gọi đầu tư, các hoạt động thương mại,… để muối Bạc Liêu nói riêng, ngành muối nói chung phát triển hơn nữa, giúp diêm dân có thể sống khỏe từ muối.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm