Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, đồng nghiệp và bạn bè thân nên là 2 mối quan hệ rạch ròi. Không nên có sự thân thiết quá mức để tránh ảnh hưởng đến công việc chung cũng như phát sinh các vấn đề liên quan.
Nghỉ chơi rồi kể hết bí mật của nhau
Chị Võ Thị Lan Anh (34 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) từng có một tình bạn thân thiết 3 năm với đồng nghiệp ở công ty cũ. Chị và đồng nghiệp bắt đầu thân với nhau khi được giao thực hiện một chiến dịch mới. Thậm chí, cả hai còn chuyển về sống chung phòng trọ để giúp đỡ, đi làm cùng nhau mỗi ngày.
Nhưng sau 3 năm, tình bạn của chị có dấu hiệu rạn nứt vì những xích mích xuất phát từ công việc. “Lúc đó, giữa tôi và bạn ấy có bất đồng quan điểm trong công việc. Tôi được sếp tin tưởng nên giao nhiệm vụ trưởng dự án, bạn ấy thì làm việc dưới quyền của tôi. Có lẽ đó là lý do mà giữa chúng tôi liên tục xảy ra đụng độ, nhiều lần bạn ấy còn dùng lời lẽ khó nghe, mỉa mai chuyện tôi được sếp cất nhắc”, chị Anh nói.
Chị Anh cũng tâm sự thêm, về sau này chị mới biết, thật ra trong quá trình chơi chung, làm việc chung, giữa 2 người đã có những điều không hài lòng về nhau nhưng không dám nói.
Chị bộc bạch: “Giờ đây tôi mới biết, từ lâu, bạn ấy đã có những khúc mắc nhưng không nói để cả hai cùng sửa đổi, giữ trong lòng lâu ngày trước sau gì cũng tức nước vỡ bờ. Nhưng điều làm tôi thất vọng nhất chính là việc sau khi kết thúc mối quan hệ, bạn đi nói xấu và kể hết những bí mật của tôi cho mọi người”.
Từ trải nghiệm đó, chị Anh nghĩ rằng mình không nên có mối quan hệ quá thân thiết với bất kỳ đồng nghiệp nào nữa. Đã làm chung công ty thì nên có những giới hạn nhất định, có những chuyện nên đặt ở “chế độ riêng tư” để tránh những hệ lụy về sau.
Thân thiết với đồng nghiệp cần có giới hạn
Chị Nguyễn Trần Anh Thư (23 tuổi, ở TP.Thủ Đức) vừa ứng tuyển vào làm ở một công ty dịch thuật. Là một người trẻ, chị Thư cho rằng một mối quan hệ gắn bó ở chốn công sở sẽ là động lực đi làm mỗi ngày và giúp chị gắn bó lâu hơn với công ty.
“Tôi vừa đi làm được vài tháng, cũng quen thân với một số anh chị. Họ giúp đỡ và chia sẻ với tôi rất nhiều, không chỉ trong công việc mà còn là kinh nghiệm cuộc sống. Chúng tôi hợp nhau ở khoản ăn uống và ham vui, cuối tuần thường hay hẹn hò để xả stress”, chị Thư kể.
Song song với đó, chị Thư cho biết bản thân chị luôn tự đặt ra những quy tắc rõ ràng để giữ mối quan hệ lâu bền. Chẳng hạn khi đi ăn uống cần chia tiền công bằng, công việc của ai người đó thực hiện, có khó khăn thì sẽ giúp đỡ nhau. Không có chuyện mượn tiền mà không trả hay đùn đẩy công việc cho ai trong nhóm.
“Chúng tôi có trao đổi rõ ràng với nhau từ trước, chị em ai cũng vui vẻ đồng tình. Tôi xem họ như những người anh chị ruột, nhờ có họ những tháng đi làm đầu tiên của tôi suôn sẻ hơn. Thậm chí khi tôi bị sếp mắng họ cũng đứng ra nói đỡ ít câu. Tôi học được ở họ nhiều thứ, về cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống”, chị Thư cho hay.
Nhưng dù thân thiết đến mấy chị Thư cũng không kể sâu về chuyện tình cảm, gia đình của mình với mọi người. Chị quan điểm đó là những vấn đề mang tính cá nhân, không nên rêu rao ở chốn công sở.
“Cái gì nên nói thì tôi sẽ nói, cái gì không nên thì mình phải tự cân nhắc. Đặc biệt, tôi nghĩ hạn chế nhất là việc cùng nhau nói xấu người khác vì sau này lỡ có chuyện gì xảy ra, những tin nhắn hay cuộc hội thoại đã có sẽ khiến bản thân tôi vướng vào nhiều rắc rối”, chị khẳng định.
Anh Lê Văn Phước, Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP công nghệ du lịch Best Price, cho hay mối quan hệ đồng nghiệp rất quan trọng khi chúng ta đi làm.
“Với nhiều bạn trẻ hiện nay, ngoài lương thưởng, môi trường, sếp thì đồng nghiệp là một trong những yếu tố ưu tiên để bạn lựa chọn nơi làm việc. Không thể phủ nhận những lợi ích của việc chơi thân cùng đồng nghiệp, họ sẽ là người giúp đỡ, đồng hành với các bạn xuyên suốt quá trình. Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt, chúng ta không nên phụ thuộc hoàn toàn vào đồng nghiệp, phải có tinh thần độc lập và chủ động mọi lúc”, anh Phước nói.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h