Không bắt, giết hại côn trùng để làm tiêu bản
Hơn 15h, nhóm học viên đứng xoay quanh chiếc bàn đặt đầy xác bướm, bọ cánh cứng, trong một cửa hàng chuyên về tiêu bản động vật ở quận Gò Vấp (TPHCM). Đứng giữa nhóm học viên, Nguyễn Kim Long (21 tuổi) chậm rãi trình bày về các công đoạn và lưu ý để thực hiện những tiêu bản hoàn thiện.
Chàng trai cho biết, anh đã bắt đầu mở workshop (hình thức đào tạo mang tính tương tác) từ tháng 3 đến nay. Trước đó, Long đã tìm tòi, học hỏi từ các tài liệu, tự thử nghiệm làm tiêu bản rồi mới quyết định mở lớp lan tỏa kiến thức tới người trẻ cùng đam mê.
Long có từ 2 đến 4 ca dạy/ngày, kéo dài khoảng 2 giờ/ca. Mức học phí dao động từ 350.000 đến 390.000 đồng/buổi/học viên, tùy thành quả của tiêu bản.
Mỗi tháng, số học viên ở lớp không cố định nhưng đỉnh điểm, Long từng nhận dạy một lớp tới 18 người.
Tại đây, chỉ cần tham gia một buổi, học viên đã có thể biết được cấu trúc cơ thể và cách hoạt động của một con bọ. Ngoài ra, Long còn hướng dẫn học viên cách xử lý một xác bọ khi vô tình gặp ngoài đời, cho đến việc tạo thành một tiêu bản hoàn chỉnh trong lồng kính hoặc trên khung gỗ.
Từ đó, họ sẽ có thêm kiến thức về thế giới tự nhiên của các loài côn trùng.
“Quan trọng nhất là học viên luôn phải nhớ rằng tuyệt đối không được bắt, giết bọ để mang về làm tiêu bản, mà phải chờ cái chết tự nhiên của chúng”, chàng trai chia sẻ.
Long cho hay, khi thu thập được tiêu bản, anh sẽ ngâm chúng với cồn để xác không bị phân hủy. Sau đó, Long sẽ bảo quản bằng cách hút chân không hoặc bỏ vào tủ lạnh.
Kiếm tiền với thú chơi vui
Đến khi làm tiêu bản, Long sẽ ngâm hoặc bơm nước nóng làm mềm chi cho bọ cánh cứng và bướm. Chàng trai cũng chuẩn bị sẵn các công cụ cần thiết như kính lúp, nhíp, xốp, giấy scan và kim cho học viên.
Học viên được tự do chọn bọ cánh cứng hoặc bướm để thực hiện. Sau khi hoàn thành, tiêu bản được bỏ vào máy sấy để được cố định hình dáng.
Tiếp đó, Long hướng dẫn học viên trang trí tiểu cảnh, đóng khung tiêu bản vào hộp kính hoặc gỗ để mẫu côn trùng trông như đang sống trong môi trường tự nhiên. Ở bước này, các vật liệu thường dùng là gỗ lũa hoặc rêu sấy khô để tránh ẩm mốc.
Theo Long, công đoạn khó nhất khi thực hiện phần việc này chính là “tạo hồn” cho tiêu bản thông qua hình dáng, độ mở cánh của con bọ, bướm.
“Làm tiêu bản đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ, kiến thức về cấu trúc của con vật. Người làm tiêu bản cần nhẫn nại, nếu không sẽ dễ làm gãy chân hoặc cánh của bọ cánh cứng và bướm. Bước định hình cho tiêu bản là phần quan trọng nhất, vì việc này quyết định thần thái của con bọ mà người làm muốn truyền tải, lưu giữ”, Long chia sẻ.
Ngay từ khi còn học lớp 7, Kim Long đã có niềm đam mê to lớn với những con bọ cánh cứng. Long cho hay có những con bọ trị giá vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vì chưa có điều kiện, chàng trai đã dành dụm từ tiền tiêu vặt ba mẹ cho để nuôi đam mê.
“Từng là hướng đạo sinh nên tôi có nhiều thời gian đi cắm trại, tìm hiểu thế giới tự nhiên. Từ đó, tôi rất thích thu thập cây và côn trùng về nhà nghiên cứu, nuôi hoặc sưu tầm.
Lúc đó, ba mẹ em cũng phản đối vì sợ bọ sẽ có mầm bệnh. Nhưng qua một khoảng thời gian, ba mẹ thấy tôi tìm hiểu, nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc nên đã ủng hộ. Đặc biệt là khi tôi biến đam mê thành công việc kinh doanh”, Long bộc bạch.
Nhờ vào việc kinh doanh và dạy làm tiêu bản bọ, Long có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng/tháng từ khi còn là một sinh viên. Chàng trai cũng vận dụng kiến thức ngành học kinh doanh quốc tế của mình để xử lý giấy tờ, thủ tục khi bán bọ cho khách hàng ở nước ngoài.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm