Sáng 28/5, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan kiểm tra kỳ thi tiếng Hàn dành cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đến Hàn Quốc) đợt 1 năm 2024. Điểm thi được tổ chức tại Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.
Không ai có thể can thiệp vào điểm thi
Đây là lần đầu tiên kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức tại Thanh Hóa với sự tham gia của 6.720 lao động trong đó có 5.478 lao động tại địa phương và 1.242 lao động đến từ Ninh Bình.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, trong những năm qua, số lượng lao động Thanh Hóa đăng ký dự thi tiếng Hàn luôn cao, kết quả thi luôn đứng đầu cả nước. Việc tổ chức kỳ thi tại chỗ giúp thí sinh giảm thời gian đi lại và chi phí, nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc, minh bạch và không có gian lận.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng đánh giá cao sự phối hợp của UBND tỉnh Thanh Hóa và Trường Đại học Hồng Đức trong việc tổ chức kỳ thi, với hệ thống máy móc, camera giám sát và các biện pháp đảm bảo an ninh được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan động viên các thí sinh trước giờ thi, lưu ý mỗi người bình tĩnh, tự tin và nỗ lực hết mình. Đặc biệt, ông quán triệt “không được gian lận trong kỳ thi” vì nếu phát hiện gian lận, thí sinh sẽ bị cấm thi liền 3 năm.
Thí sinh đỗ kỳ thi chỉ cần nộp lệ phí 630USD, không phí tổn nào khác trước khi xuất cảnh. Khi phát hiện hành vi thu tiền quá mức quy định, thí sinh cần thông báo đến Trung tâm lao động ngoài nước hoặc các đơn vị chức năng địa phương để giải quyết.
“Kết quả thi sẽ được công bố sau khi bài thi kết thúc và được thông tin trực tiếp đến phía Hàn Quốc. Vì vậy, không ai có thể can thiệp vào điểm thi của các thí sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định.
Lắp máy phá sóng trong phòng thi tiếng Hàn
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, cho biết kỳ thi đợt 1 năm 2024 có 36.326 lao động đăng ký dự tuyển, được bố trí tại 4 điểm thi: Hà Nội (15.157 lao động), Đà Nẵng (9.959 lao động), TPHCM (4.490 lao động) và Thanh Hóa (6.720 lao động).
Tính đến ngày 26/5, đã có 3.929 lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi tuyển trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp. Tại Thanh Hóa có 1.066 lao động đạt yêu cầu, chiếm 27,13%.
Trung tâm lao động ngoài nước đã thông báo kết quả trúng tuyển trên website và gửi công văn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố để hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc.
Tại điểm thi Đại học Hồng Đức, trung tâm phối hợp với địa phương bố trí 2 phòng thi tiếng Hàn, mỗi phòng có 72 ca bin máy tính. Mỗi ca thi có 70-72 lao động, mỗi ngày tổ chức thi cho 560 người. Việc bố trí ca bin và chỗ ngồi được thực hiện theo tiêu chuẩn của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea).
Ban tổ chức còn bố trí 1 phòng chờ thi có sức chứa 250 người, trang bị màn hình led, âm thanh và internet. Bên cạnh việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, định danh điện tử trên ứng dụng VneID, ban tổ chức cũng sử dụng thiết bị đọc chíp căn cước công dân và so sánh khuôn mặt.
Để đảm bảo an ninh cho kỳ thi, Công an tỉnh Thanh Hóa bố trí 8 máy phá sóng thiết bị không dây trong 2 phòng thi, cùng lực lượng công an túc trực, giữ trật tự tại địa điểm thi.
Ông Hồng cho biết, việc bố trí điểm thi tại Đại học Hồng Đức giúp giảm tải cho các điểm thi tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người lao động. Trung tâm lao động ngoài nước nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị chức năng.
Thí sinh Trương Ngọc Lương (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chia sẻ, việc thi tại địa phương giúp tiết kiệm chi phí và giảm mệt mỏi. “Hy vọng kỳ thi này, chúng tôi sẽ đạt kết quả như kỳ vọng”, nam thí sinh bày tỏ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm