Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc ngày 11/6 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp, hầu hết là vừa và nhỏ. Hoạt động của Hội doanh nhân trẻ của tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn, ít doanh nghiệp tham gia. Việc khôi phục lại hoạt động của hội tốt hơn là rất cần thiết trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Doãn Thắng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhận định doanh nhân, doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái chung để phát triển bản thân, để có những hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, hợp tác rất tốt.
Những địa phương vận hành tốt mô hình này như Hà Nội, hội có tới 3.000 hội viên, giao thương trong năm 2023 đạt 1.000 tỷ đồng.
“Đây cũng là môi trường tốt để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, nhân lực trẻ có khát vọng khởi nghiệp. Mục tiêu cao nhất là cùng bắt tay, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”, ông Thắng nói.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, để hội hoạt động thành công cần đặc biệt quan tâm tuyển chọn nhân sự thủ lĩnh. “Hội như một đoàn tàu, nếu không có đầu tàu thì đoàn tàu không lăn bánh được”, ông Thắng ví von.
Theo ông, nhân sự thủ lĩnh ở đây gói gọn trong 5 chữ “T”: Tâm, tầm, trí tuệ, tài chính và thời gian.
Theo ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ, điều tiên quyết là tìm được một chủ tịch hội giỏi. Nhân sự này không cần là chủ doanh nghiệp lớn nhưng phải có nhiệt huyết, sức thuyết phục.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An gợi mở, để vận hành mô hình hiệu quả, bền vững, phải trả lời được câu hỏi, doanh nhân tham gia hội để được gì?
“Thứ nhất hội là cầu nối kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Thứ hai là giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau, với giá tốt”, vị đại diện đến từ Long An nhấn mạnh đây là vấn đề lớn phải giải quyết được.
Ông Đỗ Văn Quý, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang nêu trải nghiệm của bản thân, các chủ doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm, giúp tiêu thụ sản phẩm của nhau, bởi “đầu vào doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác”.
“Doanh nhân trẻ, người khởi nghiệp tham gia hội được hướng dẫn, định hướng phát triển tương lai. Thậm chí, hội còn đứng ra bảo lãnh cho hội viên vay vốn, hỗ trợ giải quyết khó khăn”, ông Quý chia sẻ.
Theo ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, “ngôi nhà” doanh nhân trẻ không chỉ là sân chơi mà còn là nơi để nhân sự tìm hỏi, học hỏi, kinh nghiệm, tìm khát vọng, động lực,…
Doanh nhân trẻ chính là hình ảnh sinh động cho thế hệ thanh niên nuôi khát vọng khởi nghiệp mà chính quyền nào, địa phương nào cũng cần quan tâm, nâng đỡ để khơi dậy được khát vọng làm kinh doanh, làm chủ ở người trẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm