“Nín thở” chờ thành quả
Ở tuổi 29, anh Phạm Văn Tiến (thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã xây dựng cho mình một cơ ngơi bạc tỷ. Là ông chủ của một công ty với ba cơ sở, anh Tiến đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 100 lao động địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Tiến bán hơn 200.000 con dao các loại, mang lại doanh thu gần 7 tỷ đồng. Sản phẩm dao không gỉ của anh không chỉ đắt hàng ở Thanh Hóa mà còn được săn lùng bởi các tiểu thương và đại lý lớn tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Sinh ra ở làng nghề rèn Tất Tác (gồm 3 thôn: Ngọ, Bùi, Sơn của xã Tiến Lộc), sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tiến đã quyết định ở lại quê hương để theo đuổi nghề cha truyền con nối.
Vốn có kinh nghiệm làm dao từ bé, anh Tiến nhận thấy loại dao truyền thống ở địa phương có nhiều nhược điểm, mặc dù sắc và bền nhưng lại rất dễ bị hoen gỉ. Từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu và chế tác ra loại dao không gỉ mang thương hiệu làng rèn Tất Tác.
Năm 2019, anh Tiến bắt đầu khảo sát các làng rèn nổi tiếng trên khắp cả nước và học cách làm dao mới. Đồng thời, anh tìm hiểu công thức sản xuất dao không gỉ từ nước ngoài qua mạng.
Sau thời gian nghiên cứu, anh quyết định đầu tư máy móc và nguyên vật liệu để chế tác dao không gỉ. Đến cuối năm 2021, anh đã sản xuất mẻ dao không gỉ đầu tiên.
“Nhiều năm làm nghề nhưng khi sản xuất loại dao mới, tôi khá hồi hộp. Cũng phải “nín thở” để chờ xem thành quả. May mắn, hơn 1.000 con dao không gỉ ra lò. Lúc này, tôi đã bớt lo lắng”, anh Tiến chia sẻ.
Ông chủ trẻ cho biết, sự khác biệt lớn nhất giữa dao truyền thống và dao thép không gỉ là nguyên liệu.
“Dao truyền thống được làm từ những phế liệu có sẵn như thép xoắn, thép ray tàu, nhíp xe nên khi sử dụng dễ bị hoen gỉ. Còn nguyên liệu làm dao không gỉ là mác thép có chứa các hạt crom chống ăn mòn. Cán dao cũng được làm từ gỗ sồi, mun, không bị ngấm nước”, anh Tiến bật mí.
Nam thanh niên tạo bước đột phá
Đầu năm 2022, anh Tiến bắt đầu bán dao không gỉ ra thị trường. Với nhiều đặc tính vượt trội, loại dao này nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tăng doanh số bán hàng, ngoài cách bán hàng truyền thống tại các đại lý, cửa hàng, tham gia hội chợ, anh còn xây dựng website và bán hàng trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội.
Theo anh Tiến, vào những buổi hội chợ, khách hàng đổ xô vào mua dao không gỉ bởi nó mới lạ. Nhiều buổi livestream anh bán được 150 bộ dao. Dao không gỉ có nhiều mức giá khác nhau, trung bình 100.000-300.000 đồng/chiếc, tùy loại.
“Mỗi năm tôi bán hơn 200.000 con dao, thu gần 7 tỷ đồng. Dao làm đến đâu, bán hết đến đó”, anh Tiến vui vẻ nói.
Anh Tiến chia sẻ, nhiều năm trước, xưởng của gia đình rèn dao thủ công, mỗi ngày chỉ làm được 15-20 con dao. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, hiện mỗi ngày cơ sở của anh có thể làm ra hơn 500 sản phẩm dao các loại.
Ông Kiều Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lộc, cho biết anh Phạm Văn Tiến là thanh niên dám nghĩ, dám làm. Là người con của làng nghề rèn Tất Tác, anh Tiến đã tạo nên bước đột phá khi sản xuất loại dao mới, dao không gỉ.
“Anh Tiến nhận được nhiều đơn hàng lớn về dao không gỉ. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh còn chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con làng nghề. Vì thế, những năm gần đây, bà con làng nghề có thu nhập cao từ loại dao không gỉ”, ông Nam chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết mỗi năm ngành tiểu thủ công nghiệp của xã Tiến Lộc có doanh thu khoảng 470-500 tỷ đồng. Trong đó, nghề rèn của 3 thôn Ngọ, Bùi, Sơn chiếm đến 90% tổng doanh thu của tiểu thủ công nghiệp.
Theo ông Hùng, mỗi ngày bà con làng nghề sản xuất 200.000 sản phẩm các loại. Nghề rèn tuy vất vả nhưng đã và đang giúp bà con có thu nhập tốt, ổn định.
“Với anh Phạm Văn Tiến là một trong những thanh niên làm giàu từ nghề truyền thống. Đặc biệt, chàng trai này còn rèn ra dao không gỉ, bán rất đắt hàng. Mỗi năm anh Tiến thu về hơn 6 tỷ đồng từ bán dao”, ông Hùng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm