Hàng hủ tiếu “mẹ truyền con nối” hơn 2 thập kỷ
19h, tại con hẻm 538 đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TPHCM), xe cộ qua lại tấp nập. Tại đó, chủ quán hủ tiếu, anh Trần Lương Hậu (SN 1982, quê Mỹ Tho), cũng được dịp không ngơi tay.
Vào giờ cao điểm, quán khá đông người, có khách chấp nhận chờ 30 phút. Để thu hút được lượng khách đông như vậy, anh Hậu bộc bạch là do anh có riêng cho mình công thức nước sốt được truyền từ mẹ.
Được biết, quán hủ tiếu của anh đã tồn tại hơn 20 năm, được truyền qua 2 thế hệ. Thời gian đầu, mẹ anh chính là người đứng bếp, kiếm ba cọc ba đồng để lo cho cả gia đình.
Ban đầu, quán hủ tiếu chỉ đơn thuần là chiếc xe đẩy được dựng tạm trước căn nhà nhỏ, kê thêm vài cái bàn để phục vụ cho khách. Lúc đó, tình hình kinh doanh vẫn chưa ổn định, mỗi ngày chỉ có vài khách ghé qua. Thế nhưng, bà vẫn không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Anh Hậu nhớ rõ như in rằng mẹ anh thường thức từ 7h, chuẩn bị nguyên liệu, đến 14h, quán bắt đầu mở bán cho đến 23h sẽ đóng cửa. Sau đó, mẹ anh còn phải dọn dẹp hàng quán đến 1h hôm sau mới về đến nhà. Mỗi ngày, bà chỉ ngủ được vài tiếng nhưng không hề than vãn.
Làm quần quật cả ngày, mẹ anh không có thời gian chăm sóc cho bản thân và con cái. Hai mẹ con chỉ gặp nhau khi bà trở về nhà hoặc những lúc anh Hậu lên quán phụ mẹ.
“Nghe mẹ nói buồn vì không có nhiều thời gian dành cho con, tôi cũng buồn theo. Thay vì trách thì tôi thấy thương mẹ hơn. Mẹ đã phải dậy sớm, về khuya chỉ mong tôi được ấm no, hạnh phúc. Tuy dáng người nhỏ nhắn nhưng mẹ đã làm được những điều rất lớn lao. Vào thời điểm đó, được mẹ ôm ngủ là đủ hạnh phúc đối với tôi”, anh Hậu chia sẻ.
Lớn lên, anh Hậu không nối nghề gia đình mà làm nhân viên tại một công ty nhỏ, với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng.
“Sau khi ra đời bươn chải, tôi mới thấm thía cái câu “tiền làm ra khó”. Càng cực khổ, tôi càng nhớ đến hình ảnh mẹ tần tảo bên xe hủ tiếu. Lúc đó, tôi mới tự hỏi tại sao bản thân không quay về kế thừa và giữ gìn xe hủ tiếu ấy, vì đó là công sức nửa cuộc đời của mẹ”, anh Hậu bộc bạch.
Thời gian đầu anh Hậu mới tiếp quản quán hủ tiếu, nhiều thực khách chỉ tìm đến mẹ của anh, yêu cầu bà chế biến. Thấy vậy, anh Hậu không buồn lòng mà tự nhủ phải cố gắng hơn để tay nghề của mình cũng được khách hàng công nhận.
Năm 2019, do tình hình sức khỏe dần yếu đi nên mẹ anh quyết định trao lại quán hủ tiếu cho anh. Cậu bé phụ mẹ rửa tô ngày nào, giờ đã thành ông chủ của quán hủ tiếu.
Món ăn “độc lạ”
Để cạnh tranh với những hàng quán bên ngoài, anh Hậu đã nghĩ ra cách làm mới tô hủ tiếu truyền thống.
“Ngoài nước sốt đặc trưng, quán còn có món trứng cuộn, cũng thu hút khách hàng không kém”, anh chia sẻ.
Được biết, công thức món trứng cuộn được anh Hậu học từ người quen, sau đó điều chỉnh khẩu vị cho phù hợp, sau 2 năm nghiên cứu. Từ những lần thất bại, anh đúc kết cho mình được công thức hoàn chỉnh, hạn chế rủi ro nhất.
Anh cho hay, món trứng cuộn làm từ trứng gà. Người nấu sẽ khuấy đều, nêm nếm gia vị rồi nhồi với phèo, sau đó đem đi hấp. Trong quá trình chế biến, thợ nấu phải thật sự tỉ mỉ, nếu làm không khéo, trứng cuộn sẽ dễ bị bung, nổ.
Với món ăn mới lạ này, ngày càng có nhiều thực khách tìm đến quán để được ăn thử. Dần dà, tiếng lành đồn xa, món ăn được nhiều người biết đến, không ít thực khách chấp nhận xếp hàng để chờ thưởng thức.
Bởi lượng khách đông, anh phải gia tăng số lượng nguyên liệu cho món trứng cuộn. Mỗi ngày, anh sử dụng khoảng 300 trứng gà, 3-4kg phèo tươi. Với số lượng đó, anh mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để chế biến.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, quán bán hơn 200 tô. Mỗi tô có giá từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng.
Giờ đây, anh Hậu tự hào khi bản thân đã thay mẹ gánh vác “nguồn sống” của cả nhà.
“Khi buôn bán, yếu tố sạch sẽ luôn đặt lên hàng đầu, tiếp đến là thái độ và chất lượng. Vì thế, nguồn nguyên liệu được tôi sử dụng đều là hàng tươi, mới. Ngoài ra, dù có mệt mỏi đến đâu, tôi vẫn luôn giữ một thái độ niềm nở với khách hàng”, anh Hậu chia sẻ.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm