Quyết kiếm tiền giúp mẹ trả nợ
7h30, chị Nguyễn Hồng Liên (SN 1987, ngụ tại TPHCM) có mặt tại công xưởng ở huyện Bình Chánh, bắt đầu ngày làm việc mới. Trên màn hình máy tính đầy thông số kỹ thuật phức tạp, hoàn toàn bằng tiếng Anh, chị Liên thao tác vô cùng thành thạo, xử lý công việc chỉ trong chốc lát.

Nghỉ học lớp 7 để đi làm vì nhà quá nghèo, nữ công nhân nỗ lực tự học ngoại ngữ để phát triển bản thân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hằng ngày, công việc của chị bao gồm thiết kế rập, báo giá quản lý mẫu, lên đơn giá cho từng công đoạn, quản lý chất lượng và hướng dẫn công nhân may trong nhà máy.
Chị Liên sinh trưởng trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Tiền Giang. Nhà quá nghèo nên khi vừa học xong lớp 7, chị Liên phải nghỉ học để đi làm thuê, phụ bố mẹ cắt lúa, trồng dưa.
“Lúc ấy, ba vừa qua đời nên gia đình càng lâm vào cảnh khó khăn hơn”, chị Liên nói.
Năm lên 16 tuổi, chị Liên mang khao khát thoát nghèo lên TPHCM lập nghiệp. Công việc đầu tiên của chị là thợ phụ tại một nhà máy may ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh).
Năm 2003, trong khi thợ chính được trả lương 2-3 triệu đồng/tháng, thợ phụ như chị chỉ được 250.000 đồng. Mong muốn giúp mẹ trả dứt nợ, chị Liên thuyết phục tổ trưởng cho học việc lên làm thợ chính.
“Lúc đó, tôi nghĩ làm nghề nào thì cũng phải thật giỏi thì mới mong nhận lại thù lao xứng đáng”, chị Liên tâm sự.
Sáng làm việc cật lực ở nhà máy, tối về nữ công nhân như dường như muốn “đổ gục” vì mệt. Lắm lúc, cô ứa nước mắt vì thấy tủi thân và cô đơn ở thành phố lớn. Thế nhưng, khao khát thoát nghèo khiến chị Liên trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn.
“Chỉ có tự thay đổi thì mới mong vượt qua nghịch cảnh”
Chỉ trong 1 tháng học việc, chị Liên thạo việc không thua kém các thợ may chính. Nữ công nhân dần được tăng lương, hưởng chế độ đãi ngộ tốt. Mỗi ngày, cô đều tự dặn lòng nỗ lực, trở nên tốt hơn ngày hôm qua. Nhờ vậy, hằng năm, chị Liên luôn được công ty khen thưởng nhân viên xuất sắc.
Sau 7 năm cống hiến tại đây, nữ công nhân sang Lào làm việc cho một cửa hàng quần áo công sở suốt 1 năm, rồi trở về Việt Nam ứng tuyển vào công ty may mặc thuộc tập đoàn từ Thái Lan.

Thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân, chị Liên luôn cố gắng hướng dẫn, thậm chí định hướng nghề nghiệp cho người lao động tại xưởng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Suốt quá trình làm việc, điều khiến tôi bức bối chính là không thể giao tiếp với chính cấp trên của mình. Họ nói chuyện bằng tiếng Anh nên khi khiển trách, tôi không thể hiểu hết bản thân đã làm sai điều gì. Vậy nên tôi quyết định tự học ngoại ngữ để giúp công việc trở nên thuận tiện hơn”, chị Liên chia sẻ.
Sáng làm việc ở công xưởng, tối về nhà trọ, chị Liên lại đọc sách, tài liệu trực tuyến và tự luyện tập học tiếng Anh. Dù không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, nữ công nhân bộc bạch rằng càng học thứ mới, chị càng hứng thú và phấn chấn.
“Chỉ có tự mình thay đổi thì mới mong vượt qua được nghịch cảnh”, chị nói.
Chỉ sau 2 tháng làm việc, chị Liên đã được cấp trên đề bạt lên vị trí tổ trưởng, quản lý 6 chuyền may và cả bộ phận kỹ thuật. Từ vốn tiếng Anh tự học, chị mạnh dạn giao tiếp và nhờ chính các sếp giúp mình luyện tập.

Từ công nhân chỉ học hết lớp 7, chị Liên nỗ lực học 2 ngoại ngữ, trở thành quản lý kỹ thuật tại nhà máy may (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một thời gian sau, nhờ thành thạo ngoại ngữ, chị Liên ngày càng được cấp trên tin tưởng, giao phó cho nhiều việc quan trọng của nhà máy.
“Làm việc tại công ty này hơn 3 năm, tôi được một công ty Ấn Độ mời về làm quản lý kỹ thuật với mức thu nhập bản thân mơ ước”, chị Liên chia sẻ.
Sau 5 năm gắn bó ở công ty cũ, nữ công nhân tiếp tục chuyển việc sang công ty mới để thử sức bản thân và làm việc đến hiện tại. Giờ đây, dù đã là quản lý kỹ thuật, điều hành nhà máy và hàng chục công nhân, chị Liên khẳng định chưa từng muốn ngưng việc học hỏi.

Chị Liên chụp ảnh cùng tập thể công ty nơi mình đang làm việc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hằng tuần, chị Liên đều dành ra 2 buổi tối để học tiếng Hàn. Chị còn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng về phần mềm, máy móc kỹ thuật để phục vụ cho công việc.
Giờ đây, người mẹ đơn thân này có thể lo cho 2 người con và mẹ già ở quê.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty TNHH May mặc Dony, chia sẻ chị Hồng Liên là một trong những nhân sự “cốt cán” của nhà máy. Chị Liên là quản lý kỹ thuật, thành thạo tiếng Anh và đang học thêm tiếng Hàn. Điều khiến vị CEO nể phục nữ quản lý này chính là tinh thần ham học hỏi và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm