20% cử nhân làm công việc thấp hơn trình độ đào tạo
Sau khi tốt nghiệp, L. đi thực tập tại một khách sạn ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, sau một thời gian trải nghiệm, cô cảm giác công việc không phù hợp với bản thân.
Vì tiếc tiền và thời gian theo đuổi ngành học, L. cố tìm một công việc liên quan.
“Vị trí quản lý, với mức lương cao đòi hỏi người ứng tuyển có nhiều kinh nghiệm, biết ngoại ngữ. Trong khi đó, tôi chẳng có tí kinh nghiệm quản lý nào, lại chỉ giỏi mỗi tiếng Việt. Tôi đành chấp nhận làm việc ở các bộ phận khác với mức lương thấp, nặng nhọc hơn”, L. bộc bạch.
Thấy những kiến thức đã học không thể ứng dụng vào công việc đang làm, thu nhập lại không đủ trang trải cuộc sống, L. quyết định rẽ hướng, chuyển nghề. Giờ đây, cô gái rất nuối tiếc vì không hiểu rõ mong muốn, sở thích của bản thân, chọn sai ngành học, trở nên mất phương hướng trong cuộc sống.
Cô gái kể, một người bạn cũng đang làm tài xế xe ôm công nghệ dù có bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh.
Nguyên nhân là do thị trường cạnh tranh, người này chỉ có thể tìm được việc ở các công ty nhỏ, nhiều việc nhưng lương thấp. Quá chán nản, bạn của L. đành gác bằng, đăng ký chạy xe để nhanh có tiền, gom vốn về quê khởi nghiệp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, phần lớn sinh viên ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định. Nguyên nhân là do ban đầu nhân sự chưa định hướng đúng, chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động.
“Tổng hợp từ nhiều thông tin khảo sát cho thấy có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển ngành, làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo”, ông Tuấn nói.
Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm thì cũng chỉ 50% có được việc phù hợp năng lực và phát triển tốt. Số còn lại vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp hoặc việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.
Ông Tuấn cho biết, hằng năm, TPHCM có hơn 350.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Giai đoạn năm 2015-2023, riêng số lượng nhân lực được đào tạo hệ đại học ở TPHCM đã tăng hơn 2 lần so với năm 2010 (70.000 sinh viên), chưa tính số lượng sinh viên từ các chương trình đào tạo hoặc tỉnh, thành khác. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học chỉ khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm.
Thị trường lao động vừa thừa, vừa thiếu
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng nêu vấn đề, các trường đang tuyển sinh số lượng lớn theo thị hiếu xã hội đối với các nhóm ngành kinh tế, tài chính, khoa học, xã hội, y dược. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa được đầu tư đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng chuyên ngành nên sản phẩm đầu ra không được doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng.
“Thực trạng của nguồn nhân lực hiện nay chính là vừa thừa, vừa thiếu. Thực tế, nhân lực đang dư thừa ở các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ và khoa học tự nhiên mà lại thiếu ở nhóm ngành cơ khí, công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ nông – lâm,…”, ông Tuấn cho hay.
Để sinh viên không còn cảnh “gác bằng, giấu bằng cử nhân đi rửa bát, chạy xe ôm”, ông Tuấn cho rằng sinh viên cần đáp ứng nhiều điều kiện liên quan đến chất lượng nghề nghiệp.
Trước hết, ứng viên cần hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật để chọn đúng ngành, đồng thời am hiểu về ngành nghề mà mình chọn để có thể vạch ra mục tiêu, động lực và kế hoạch học tập vững chắc. Từ đó, nhân sự có thể ứng dụng kiến thức đã học vào nghề, dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc.
Ngoài ra, ngay từ khi học đã cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm từ sớm. Lao động trẻ còn phải chủ động hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ, sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ.
Về phía các đơn vị quản lý và đào tạo, ông Tuấn đề xuất một trong những điều cần làm là hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực.
Trong đó, quan trọng là dự báo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (5 năm), dài hạn (10 năm – 20 năm), quy hoạch cơ cấu đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố, quốc gia và hội nhập.
Ông Tuấn cũng khuyến cáo, các đơn vị cũng cần hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp sớm vào trường trung học phổ thông, thậm chí là trung học cơ sở.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm