Ngày 8.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản gửi Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp; Ban Quản lý Khu công nghệ cao; UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và người sử dụng lao động trên địa bàn về việc triển khai thực hiện Nghị định số 74 năm 2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng trên địa bàn TP.HCM kể từ 1.7.2024 như sau:
- Mức 4,96 triệu đồng/tháng, theo giờ với mức 23.800 đồng/giờ, áp dụng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động trên địa bàn các quận, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè (vùng I).
- Mức 4,41 triệu đồng/tháng, theo giờ với mức 21.200 đồng/giờ, áp dụng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động trên địa bàn H.Cần Giờ (vùng II).
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Đối với người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, mức lương tối thiểu tháng hay theo giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận mức lương và trả lương cho người lao động.
Đối với người lao động đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác như theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán thì mức lương khi quy đổi ra theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Về trách nhiệm thi hành, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 74 thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đơn cử, tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% (hay cao hơn ít nhất 7% đối với điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao) so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, các quy chế, quy định để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và sớm công bố kết quả cho người lao động biết. Quá trình thực hiện, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở và người lao động trong các hoạt động đối thoại, thương lượng để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Lao động – Tin Tức Việc làm