Vườn rau “không giống ai”
Năm 2018, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, anh Phạm Thế Tuấn (36 tuổi, trú tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) bắt tay khởi nghiệp trồng rau khí canh.
Trên diện tích vườn 120m2, anh Tuấn lắp đặt 100 ống nhựa phi 200mm vuông góc với mặt đất, cao 1,85m. Phần đáy ống được chôn xuống nền bê tông 20-40cm để đảm bảo trụ đứng vững, giữ được lượng nước tưới dư thừa từ quá trình sản xuất.
Trên mỗi trụ nhựa, nông dân 36 tuổi khoan 50 lỗ (có đường kính 6cm) rồi cắm giá thể xơ dừa, trồng cây.
Chủ khu vườn chia sẻ, trên đỉnh các ống nhựa, anh lắp đặt bét phun sương (thiết bị tưới) tự động. Nguồn nước và phân bón hòa tan được bét phun theo thời gian lập trình sẵn để bổ sung nguồn dưỡng chất cho cây. Việc chăm bón được anh Tuấn tính toán tỉ mỉ, khoa học theo chu kỳ sinh trưởng của rau để đảm bảo hiệu quả.
Theo anh Tuấn, khi hệ thống bét phun hoạt động, các hạt nước (như hơi sương) sẽ đổ từ cao xuống thấp trong không gian ống trụ, bám lên giá thể và rễ cây, giúp cây hấp thụ dưỡng chất. Nguồn nước dư thừa sau đó kết hạt, đổ xuống đáy ống và được máy bơm về bể chính để tiếp tục tái sử dụng.
“Lúc tôi bắt đầu thực hiện vườn khí canh, ai đến thăm cũng cho rằng cách làm này “không giống ai”, trước sau cũng thất bại. Sau 28 ngày, toàn bộ xà lách cấy trên 100 ống trụ tươi tốt, cho thu hoạch gần 700kg từ khu vườn 120m2, gấp nhiều lần so với xà lách trồng trực tiếp trên đất của nhiều hộ trong vùng”, anh Tuấn cho biết.
Tạo ra sản phẩm an toàn, giá cao
Theo chủ vườn, cách canh tác bằng phương thức khí canh giúp gia đình tổ chức sản xuất 12/12 tháng trong năm và tạo ra nguồn rau chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
“Rau trồng khí canh nên cây ít bị ảnh hưởng bởi sâu, bệnh hại. Do vậy, quá trình sản xuất ít khi phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, an toàn với người sử dụng. Sản phẩm rau mà gia đình tôi làm theo cách này cũng được đối tác mua với giá cao hơn thị trường 20%”, anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn, đối với các mô hình rau trồng bằng đất, sau khi thu hoạch, chủ vườn phải xử lý đất trong thời gian dài rồi mới xuống giống vụ mới. Trong khi mô hình rau khí canh, chỉ cần 2 ngày để súc rửa các ống trụ, hệ thống tưới là có thể bắt tay trồng vụ mới.
Hiện nay, gia đình anh Tuấn mở rộng quy mô sản xuất lên 2.000 ống trụ (tương đương diện tích 2.000m2) và trồng các loại rau ăn lá, ăn quả như: xà lách, bắp cải, cải bó xôi, dưa leo, cà chua, các loại hương thảo… Mỗi năm, vườn rau của nông dân này cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Anh Tuấn cho biết, sản phẩm rau, quả của gia đình được các đối tác ký hợp đồng bao tiêu. Thời gian tới, anh liên kết với các hộ dân mở rộng diện tích lên 2ha và tổ chức trồng theo phương pháp khí canh trong ống nhựa, xô nhựa…
Ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, cho biết, phương pháp trồng rau khí canh của gia đình anh Phạm Thế Tuấn là mô hình mới lạ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện nay, sản phẩm rau khí canh của gia đình anh Tuấn có đầu ra ổn định, giá cao và mang lại nguồn thu nhập lớn. Địa phương khuyến khích gia đình anh Tuấn liên kết với các hộ dân mở rộng sản xuất”, ông Nguyễn Thế Tuấn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Tuấn, tại xã Lộc Thành phổ biến với các loại cây trồng gồm: cà phê, măng cụt, sầu riêng. Do vậy, việc phát triển các mô hình sản xuất rau sẽ giúp địa phương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình sản xuất rau khí canh của gia đình anh Phạm Thế Tuấn góp phần tạo công ăn việc làm cho 5 lao động chính thức và 8 lao động thời vụ với mức lương 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm