Đào tạo nghề miễn phí
Chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số – Thực trạng và các cơ hội” sáng 30/7, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đơn vị này sẽ thu thập thông tin về thị trường lao động để tư vấn lại cho người lao động sớm tìm được việc làm mới.
“Các phiên giao dịch việc làm cũng là cơ sở rất tốt để chúng tôi tư vấn ngược lại cho các trường đào tạo nghề về xu hướng nghề nghiệp hiện nay. Từ đó, giúp họ định hướng đào tạo ngành nghề hấp dẫn người lao động”, bà Liễu chia sẻ.
Qua con số thống kê của trung tâm, bà Liễu cho biết phần lớn lao động thất nghiệp chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ với trường nghề đã và đang làm nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
Liên quan đến góp ý về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề xuất hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn trưa cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo bà Liễu, đối tượng bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều tỉnh khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy ngành nghề đào tạo tại Hà Nội hấp dẫn và quyết định đến đây học nghề.
“Theo ghi nhận ý kiến của nhiều người lao động, họ mong mỏi được hỗ trợ thêm để giảm bớt khó khăn. Bởi người thất nghiệp là thiệt thòi rất lớn. Số tiền trợ cấp họ nhận được bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp”, bà Liễu chia sẻ.
Theo báo cáo, hiện nay, nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức.
Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao (nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng) chỉ chiếm khoảng 1,9%. Trong khi đó, lao động chính thức, công việc đòi hỏi trình độ quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thu hút đến 32,8% lao động nhóm này.
Mới đây, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi có một số nội dung bổ sung lớn, đột phá như: Bổ sung quy định về đăng ký lao động, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định khung về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam.
Bổ sung quy định về giao dịch việc làm điện tử gồm khái niệm và hình thức giao dịch việc làm điện tử, đảm bảo phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.
Đề xuất sửa đổi mức hỗ trợ học nghề
Tại tọa đàm, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp và khu vực phi chính thức, lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chủ trương từ rất lâu.
Nghị quyết 06 của Chính phủ có nhiều giải pháp cụ thể, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp tham gia vào khâu đào tạo như: Trực tiếp đào tạo; phối hợp đào tạo theo đặt hàng…
Ông Độ thông tin, tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tưởng Chính phủ ban hành sửa đổi thông tư quy định đào tạo, trong đó có phần đào tạo nghề, truyền nghề để phù hợp công tác đào tạo nghề của các nghệ nhân.
Liên quan đến mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 46 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, ông Đào Trọng Bộ cho biết, Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi một số quy định để phù hợp với mức hỗ trợ (ăn, đi lại, chi phí đào tạo) còn thấp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm