Trợ cấp thất nghiệp còn thấp
Ngày 13/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn thành phố từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2024.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho biết nội dung buổi giám sát là đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi đưa Luật Việc làm năm 2013 áp dụng vào thực tiễn đời sống; đặc biệt là qua thực tiễn thành phố trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua (2020-2021).
Ông đề nghị các ban ngành đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc xảy ra trên địa bàn và kiến nghị những giải pháp giải quyết, biện pháp thực hiện cụ thể để Đoàn ĐBQH TPHCM đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, nhấn mạnh đến khó khăn của người lao động thất nghiệp. Theo ông, hiện điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi, nhiều chính sách không còn phát huy hiệu quả thực tế.
Ông Trung đề cập đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp dành cho người lao động hiện nay (quy định khoản 1 điều 50 Luật Việc làm 2013) bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là chưa đủ để đảm bảo đời sống của người thất nghiệp.
“Để đảm bảo mức sống của người lao động khi họ thất nghiệp, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp”, ông Trung đề nghị.
Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp hiện nay cũng rất thấp. Theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ tối đa chỉ là 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng).
Theo ông Trần Đoàn Trung, với mức hỗ trợ này, người lao động khó có thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn.
Chính sách đào tạo nghề chưa hấp dẫn
Báo cáo tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) trình bày những vướng mắc, khó khăn, tồn tại và hạn chế của thị trường lao động TPHCM và việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn thành phố.
Báo cáo của Sở nêu nhiều khó khăn trong công tác phân tích, dự báo; công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề; công tác vay vốn hỗ trợ tạo việc làm…
Trong đó, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng đánh giá công tác hỗ trợ người lao động học nghề, tái gia nhập thị trường lao động chưa phát huy hiệu quả. Hiện người lao động thất nghiệp chủ yếu đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ chưa quan tâm đến việc đăng ký học nghề.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Cụ thể, chính sách chi hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề như chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…
Do đó, chính sách này chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề, dẫn đến người lao động gặp khó khăn trong việc tham gia học nghề, bản thân người lao động phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề.
Đồng tình với ý kiến của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, LĐLĐ TPHCM kiến nghị Chính phủ thay đổi chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp một cách phù hợp để công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp phát huy hiệu quả.
Ông Trung đề nghị cụ thể là điều chỉnh mức hỗ trợ phí học nghề lên cao hơn và kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp.
Đồng thời, ông cũng đề xuất việc hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội trích từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho doanh nghiệp. Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề mà doanh nghiệp đã đào tạo cho họ.
Ông Trung cho rằng: “Khi thấy được nơi mới nhận về làm sẽ tác động đến nhận thức của người lao động để họ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.
Ngoài ra, ông Trần Đoàn Trung cũng đề xuất bổ sung quy định người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ các chi phí khác như đi lại, sinh hoạt phí… để họ đảm bảo cuộc sống trong thời gian học nghề.
Bên cạnh đó, LĐLĐ TPHCM đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chế độ ưu đãi đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm