Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng được chị Lê Thị Lan Hương, trú xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) triển khai trên vùng đất gò đồi rộng khoảng 2ha.
Theo chị Hương, diện tích đất này trước đây chị trồng cao su, loài cây từng được xem là “vàng trắng” từ việc khai thác mủ. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, mưa bão, cây cao su của chị Hương và những hộ dân trong vùng nhiều lần gãy, đổ, gây thiệt hại nặng.
Năm 2021, sau nhiều lần đắn đo, chị Hương đi đến quyết định táo bạo, chặt bỏ cao su để trồng tre lục trúc lấy măng.
Chị Hương cho biết, chị bén duyên với cây tre lục trúc sau một lần đi tham quan các tỉnh phía Bắc. Nhận thấy đây là loài cây hợp với khí hậu khắc nghiệt, chống chịu được gió bão, măng tre hiện nay là mặt hàng được nhiều người ưu chuộng, chị Hương quyết định trồng thử nghiệm.
Thời gian đầu, tỷ lệ cây giống sống rất thấp khiến chị Hương “mất ăn, mất ngủ”. Không bỏ cuộc, chị lại tìm đến những mô hình đã thành công ở các tỉnh, thành khác.
“Thời điểm đầu thực sự khó khăn, tuy nhiên khi chặt cao su để trồng tre lấy măng, tôi đã suy nghĩ rất kỹ và quyết tâm phải làm bằng được”, chị Hương chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì, tích lũy kinh nghiệm, chị Hương đã khiến 2.000 gốc tre được trồng theo hướng hữu cơ dần bén rễ, đâm chồi vươn lên. Không chỉ phát triển tốt, khi các cây tre bắt đầu cứng cáp, khép tán, cũng là lúc cho ra những lứa măng đầu tiên.
“Mỗi ha đất tôi trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi phát triển thành khóm tre 20-30 cây. Trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch 15-30kg măng tươi”, chị Hương chia sẻ thêm.
Về kinh nghiệm trồng tre lục trúc lấy măng, chị Hương cho hay, phải tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng phân chuồng ủ hoai với men vi sinh để bón quanh gốc tre. Không sử dụng các loại hóa chất, phân vô cơ, như vậy môi trường đất không bị ô nhiễm, ngày càng màu mỡ hơn, cây tre sinh trưởng phát triển rất tốt và bền vững.
Măng tươi của cơ sở chị Hương đang được bán với giá 60.000 đồng/kg, sản phẩm thu hoạch tới đâu bán hết tới đó.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, cơ sở của chị Hương còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
“Măng thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, mỗi ha sẽ cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ngoài cung ứng măng tươi, chúng tôi còn sơ chế thành các sản phẩm như: măng hấp, măng chua… cho vào túi bảo quản để phục vụ khách hàng”, chị Hương cho hay.
Để mở rộng mô hình, tạo việc làm cho người dân địa phương, chị Hương đã thành lập công ty và đang thực hiện dự án trồng tre lấy măng trên diện tích khoảng 25ha. Dự kiến, khoảng 1 năm nữa, vùng dự án của chị sẽ cho thu hoạch măng.
Ông Lê Thuần Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Quảng Bình cho biết, những năm trở lại đây, người dân trên địa bàn đã thực hiện nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu rất hiệu quả, như: tre lục trúc, dưa lưới nhà màng, sen và một số mô hình cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP.
Theo ông Trung, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai các mô hình mới, tăng cường chỉ đạo các địa phương, người dân tiếp tục duy trì các mô hình đã thực hiện một cách hiệu quả.
Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cũng gắn kết tiêu thụ cho bà con nông dân, hướng tới các mô hình mang tính hữu cơ, bền vững để mở rộng một số cây trồng chính, cây trồng có tính lợi thế của vùng; đưa các sản phẩm của Quảng Bình tiêu thụ ở các tỉnh, thành khắp cả nước.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm