“Dụng nhân” khó như “dụng mộc”
Tại hội thảo về chữ S trong ESG do báo Dân trí tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) viện dẫn câu nói của người xưa “dụng nhân như dụng mộc” để nhấn mạnh về tầm quan trọng trong sử dụng nhân sự trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp luôn phải tính toán hiệu quả kinh doanh và các chi phí liên quan, trong đó có chi phí về lao động. Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định đầu tư về con người không phải là đầu tư ngắn hạn. Doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, bền vững chắc chắn phải quan tâm đến yếu tố con người.
Thực tế, khách hàng ở châu Âu luôn nhìn nhận việc phát triển nhân lực bền vững là yếu tố quan trọng với đối tác. Thế giới đánh giá mức độ bền vững không chỉ ở từng doanh nghiệp mà đánh giá theo chuỗi.
“Cho nên doanh nghiệp muốn tham gia với chuỗi có giá trị cao trên thế giới bắt buộc phải tiệm cận tiêu chuẩn cao thế giới. Đây là tiêu chuẩn của cuộc chơi, để bán hàng, xuất khẩu thành công. Với tầm nhìn như vậy nhiều doanh nghiệp Việt phải đáp ứng yếu tố bền vững trong nhân lực”, Phó tổng Thư ký VCCI cho hay.
Trong quản trị, doanh nghiệp tính toán đến hiệu suất, năng suất, chi phí. Việc người lao động, đặc biệt người lao động chất lượng cao gắn bó giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo.
Xét về góc cạnh năng suất, ông Đậu Anh Tuấn thừa nhận, môi trường làm việc tốt giúp người lao động làm việc năng suất hơn.
Ông nêu khái niệm “cơm mẹ nấu” trong việc sử dụng lao động ở doanh nghiệp. Chuyên gia này tin rằng khi người ta lao động với tinh thần, niềm vui, hạnh phúc gắn bó với công việc chắc chắn năng suất, hiệu quả, chất lượng tốt hơn.
Cũng bàn luận xung quanh ESG, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ theo ESG. Vì vậy, đơn vị nào tận dụng lợi thế tiên phong này sẽ tiếp cận hỗ trợ chương trình vốn, kỹ thuật…
Theo ông Minh, người lao động cũng như chủ doanh nghiệp có 3 phần rõ ràng là thân – tâm – trí hay tâm – sinh – xã. Vì vậy, doanh nghiệp thiết kế chương trình phát triển nhân lực bền vững sẽ tập trung vào những yếu tố trên.
Phó Giám đốc chuyên môn Ban IV lấy ví dụ thay vì thưởng 15 triệu đồng cho người lao động, doanh nghiệp chọn thưởng 10 triệu và một chuyến du lịch Thái Lan cho người lao động sẽ phù hợp với đặc thù trong tâm lý của lao động Việt.
Vì vậy, ông Minh cho rằng việc thiết kế, xây dựng nhân lực bền vững trong doanh nghiệp cần linh hoạt, phù hợp với văn hóa người Việt. Vị chuyên gia này tin rằng doanh nghiệp Việt sẽ tạo ra “cơm mẹ nấu” trong việc phát triển nhân lực bền vững hiệu quả.
Đầu tư nhân lực xuất phát từ những việc thân thuộc
Ông Đậu Anh Tuấn kể câu chuyện tham quan trụ sở của Google, Meta thấy được không gian làm việc của họ rất tuyệt vời với đồ ăn và cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thư giãn miễn phí dành cho nhân viên.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chỉ các doanh nghiệp lớn mới thực hiện được những hoạt động quan tâm, chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những cách thức riêng, rất linh hoạt, phong phú.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng có những cách quan tâm đến nhân viên rất tinh tế. Như khi ông đến một nhà máy bánh kẹo ở Bình Dương với quy mô vừa phải, nhưng ở đó treo những bức ảnh tôn vinh người lao động có thâm niên. Tôn trọng người lao động là một văn hóa rất tốt.
Hay tại một nhà máy khác tại Trà Vinh, nhà ăn dành cho công nhân lao động rất sạch sẽ, là nơi thoáng đẹp, tiện nghi nhất trong công ty. Đó là cách “khoe” rất tinh tế của doanh nghiệp.
Như vậy, theo vị này, mỗi doanh nghiệp dù to hay bé, nếu đã quan tâm đến người lao động bằng cái tâm của mình thì có rất nhiều cách để biểu thị.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc đầu tư cho chữ S, cho nhân lực trong từng doanh nghiệp không phải là cái gì quá hoành tráng, mà nhiều trường hợp rất thân thuộc như vậy.
Chữ S là trái tim của ESG
Phó Giám đốc chuyên môn Ban IV nêu 7 thành tố trọng tâm của chữ “S” trong ESG, bao gồm:
Sức khỏe và sự gắn kết của nhân viên bao gồm môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, toàn diện và mức lương cạnh tranh, phúc lợi, phát triển và đào tạo nhân viên;
Đa dạng và hòa nhập, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo;
Quyền con người và tiêu chuẩn lao động bao gồm duy trì các tiêu chuẩn cao về quyền con người và thực hành lao động, thực hành lao động công bằng, cấm lao động trẻ em, lao động cưỡng bức…
Quan hệ cộng đồng và tác động biểu hiện qua sáng kiến tham gia và từ thiện.
Minh bạch và công khai thể hiện qua báo cáo thường xuyên về các chỉ số xã hội chính, lộ trình và mục tiêu với các dữ liệu thuyết phục.
Sự hài lòng của khách hàng và quyền riêng tư dữ liệu thể hiện qua việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu.
Quản lý chuỗi cung ứng và nguồn cung ứng có trách nhiệm biểu hiện qua sự hợp tác với các nhà cung cấp thực hiện hoạt động có trách nhiệm; Đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu trách nhiệm xã hội; Giải quyết các vấn đề như quyền lao động và hành vi đạo đức.
Ông lấy ví dụ về đơn vị FPT có chiến lược phát triển về mặt văn hóa doanh nghiệp hướng đến con người hạnh phúc. Không chỉ hướng đến sự đa dạng trong doanh nghiệp, FPT còn có chương trình huấn luyện cho con em của họ.
FPT là đặc thù doanh nghiệp công nghệ nên có những chính sách hấp dẫn thu hút người tài. Khi thu hút người tài, bên cạnh mức lương, họ còn quan tâm phúc lợi, chế độ cho con cái, gia đình họ, thậm chí bán nhà ưu đãi.
Lý giải về việc gọi chữ S là trái tim của ESG, ông Bùi Thanh Minh cho biết, khi đi làm việc người lao động phải đáp ứng yêu cầu cơ bản, an toàn, xã hội, tự trọng, nhu cầu của bản thân.
“Khi doanh nghiệp chú ý đến mức lương cạnh tranh, môi trường người ta đóng góp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trách nhiệm ra bên ngoài cộng đồng rõ ràng đáp ứng nhu cầu của người lao động”, ông Minh cho hay.
Đặc biệt với nhóm nhân tài, họ không chỉ hướng đến câu chuyện của bản thân mà còn hướng đến câu chuyện của quốc gia, sự đóng góp cho cộng đồng. Chữ S trong ESG phát triển nhân lực bền vững cho doanh nghiệp, từ đó phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị tài trợ: Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Air, Công ty CP Acecook Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBANK, Ngân hàng TMCP Nam Á (NAM A BANK), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK), Gamuda Land, Công ty Cổ phần địa ốc Phú Long.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm