Đầu tháng 3.2025, trên nhiều nền tảng mạng xã hội xuất hiện cụm từ “thế hệ cợt nhả” – cách gen Z (tức là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) tự gọi mình khi bước vào thị trường lao động với phong cách giao tiếp thoải mái, biểu cảm “meme hóa” (hình ảnh hài hước), dùng tiếng lóng, câu nói viral… như một cách để “giải độc” áp lực công việc.
Điều này cũng tạo nên làn sóng tranh cãi về việc: liệu người trẻ có phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp?
“Cợt nhả” là phản ứng văn hóa của thế hệ gen Z nhiều áp lực?
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, ở mạng xã hội Facebook có khoảng 20 hội nhóm bàn luận sôi nổi về “thế hệ cợt nhả”. Trong đó, nhóm “thế hệ cợt nhả đi làm!” thu hút nhiều người tham gia nhất với 92.000 thành viên. Mỗi ngày, có hàng chục bài viết tâm sự về chuyện đi làm. Ở đây, các nhân viên trẻ thoải mái sử dụng những câu nói hot trend, hình ảnh hài hước để giao tiếp với đồng nghiệp, sếp và khách hàng.
Trong bài viết thu hút khá nhiều lượt thích và bình luận, bạn H. chia sẻ yêu cầu từ cấp trên về việc khảo sát trải nghiệm người dùng trên website công ty. Đáp lại yêu cầu, H. đã sáng tạo một biểu mẫu khảo sát với giọng điệu hài hước, đậm chất gen Z.
‘Thế hệ cợt nhả’ gia nhập thị trường lao động- Cơ hội hay thách thức?
Câu hỏi nổi bật trong biểu mẫu: “Bro có thấy hình ảnh trên website xịn xò con bò không?”, kèm theo các phương án như: “Cũng cũng đi” (tạm ổn – PV), “Chưa đủ wow” (chưa ấn tượng – PV) hay “Vượt mức pickleball” (cực kỳ tốt – PV).
Ở phần bình luận, nhiều người cho rằng việc H. khảo sát khách hàng với ngôn từ thiếu sự chuyên nghiệp. Nhưng H. giải thích rằng, tệp khách hàng của công ty anh 90% là gen Z, nên ngôn ngữ này không chỉ phù hợp mà còn tạo cảm giác gần gũi, vui vẻ hơn khi phản hồi.
Không riêng nhân viên văn phòng, gen Z đang làm việc ở các ngành nghề khác như: luật sư, y tá, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư… cũng thích thú với trào lưu “thế hệ cợt nhả bắt đầu tham gia thị trường lao động”.
Theo Tạp chí Forbes (2023), gen Z là thế hệ đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm lý nhất trong lực lượng lao động hiện tại. Một khảo sát cho thấy hơn 50% gen Z cảm thấy kiệt sức trong công việc và nhiều người cân nhắc nghỉ việc vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Sự “cợt nhả” không đồng nghĩa với sự buông thả hay thiếu trách nhiệm, mà là cách để gen Z đối diện với áp lực công việc. Họ dùng sự hài hước để tự cân bằng và vượt qua khó khăn.
Chị K Joon Na (22 tuổi), nhân viên sáng tạo nội dung tại một công ty ở TP.HCM chia sẻ, tính hài hước, “cợt nhả” là “vũ khí sống sót” của chị khi đối mặt với stress.
“Tôi từng rất căng thẳng với deadline, nhưng “cợt nhả” giúp tôi thay đổi không khí, điều chỉnh góc và trở nên tích cực. Nó không phải là né tránh trách nhiệm, mà là cách để tôi tự chữa lành”, chị Na tâm sự.
Chị Na cũng nói thêm, “hế hệ cợt nhả” không phải là một nhãn mác tiêu cực mà là cách người trẻ tự định danh bản thân: thẳng thắn, nhiều cá tính, biết hài hước đúng lúc và sẵn sàng bày tỏ cảm xúc một cách văn minh.

Để không trở thành “con dao hai lưỡi”, gen Z cần học cách kết hợp giữa sáng tạo, hài hước và sự nghiêm túc cần thiết trong công việc
ẢNH: UYỂN NHI
“Cần có ranh giới rõ ràng”
Mặc dù phong cách này giúp giảm căng thẳng và tạo sự gần gũi, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với sự nghiệp của gen Z. Trong môi trường công sở chuyên nghiệp, việc sử dụng ngôn ngữ thiếu nghiêm túc hoặc quá “cợt nhả” có thể gây hiểu lầm, mất lòng tin từ đồng nghiệp và khách hàng.
Anh Trần Lê Quang (22 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) nói, khi gen Z sử dụng sự hài hước phải cân nhắc kỹ lưỡng về ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp.
“Những bạn trẻ làm việc trong môi trường có những người đồng điệu về tư tưởng sẽ cảm thấy công việc dễ thở hơn. Điều này giúp kích thích tinh thần làm việc, tạo ra năng lượng tích cực trong công ty.
Tuy nhiên, nếu các bạn chưa biết cách thể hiện sự “cợt nhả” đúng lúc và đúng chỗ có thể tạo ra phản ứng ngược, khiến người khác cảm thấy thiếu chuyên nghiệp và nghiêm túc. Vì vậy, khi thể hiện sự “cợt nhả”, phải luôn cố gắng giữ cho bản thân một tác phong cân bằng và duy trì sự nghiêm túc cần thiết”, anh Quang cho hay.
Hơn nữa, thiếu sự nghiêm túc đôi khi có thể ảnh hưởng đến đánh giá của cấp trên về khả năng và thái độ làm việc của nhân viên. Điều này cũng dẫn đến hiệu suất công việc không ổn định và ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến sau này.
Là người quản lý nhân sự tại một công ty ở TP.HCM, chị H.A (34 tuổi) cho rằng, gen Z đang tạo nên làn gió mới trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, chị cũng khuyên người trẻ cần có ranh giới rõ ràng giữa “cợt nhả có duyên” và thiếu tôn trọng môi trường làm việc.
“Trong giao tiếp thường ngày có thể đùa giỡn với đồng nghiệp để tạo tạo không khí vui vẻ, thân mật nhưng trong công việc cần chỉnh chu vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm việc”, chị H.A nói.
Lao động – Tin Tức Việc làm