Ngày 29.6, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 23 doanh nghiệp vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ với tổng số lao động mất việc là 1.137 người.
Trong 23 doanh nghiệp này có 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 8 doanh nghiệp dân doanh và 1 đơn vị sự nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng thêm 9 doanh nghiệp và tăng 1.065 người lao động mất việc. Tổng số tiền trợ cấp mất việc mà người lao động nhận được theo quy định là hơn 28 tỉ đồng.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng lưu ý, con số 1.137 người lao động mất việc này chưa bao gồm số lượng chấm dứt hợp đồng lao động theo cơ chế thỏa thuận như trường hợp hơn 8.000 người lao động bị cắt giảm ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam vì sụt giảm đơn hàng gia công xuất khẩu, và trường hợp 342 người lao động Công ty dệt kim Đông Minh mất việc vì doanh nghiệp này giải thể.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP.HCM xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể với 1.619 người tham gia, các vụ tranh chấp này xảy ra trong thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2023 và đã được giải quyết không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
6 tháng qua, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 163.122 lượt người và tạo ra 72.935 việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%. Đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM rằng thị trường lao động việc làm của TP.HCM có dấu hiệu từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, nửa năm qua, TP.HCM tiếp nhận 64.860 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, con số này so với cùng kỳ tăng 2.727 người. Điều này cũng cho thấy thời gian tới thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi kinh tế thế giới vẫn còn biến động.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng thống kê tới ngày 31.5, tổng số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 2,49 triệu người (chiếm 54% tổng số 4,6 triệu người trong độ tuổi lao động).
Về xuất khẩu lao động, 6 tháng đầu năm, có 3.940 lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 1.009 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tập trung ở thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức… với các ngành nghề chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Đề nghị doanh nghiệp báo cáo tình hình biến động lao động mỗi tháng
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, việc chấm dứt hợp đồng lao động theo cơ chế thỏa thuận thường phổ biến, thường xuyên trong hoạt động của doanh nghiệp vì các vấn đề thay thế lao động, hay người lao động có nhu cầu công việc mới, muốn tạm nghỉ… Thế nên không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo về TP.HCM trong trường hợp này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo tình hình biến động lao động (nếu có) theo Thông tư 28 của Bộ LĐ-TB-XH trước ngày 3 hằng tháng về email của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM ([email protected]).
Trường hợp giảm hơn 50 lao động thì phải báo cáo ngay để Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tư vấn, hỗ trợ kịp thời về việc làm, chính sách thất nghiệp.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện còn nhiều doanh nghiệp không quan tâm và gửi báo cáo theo đúng quy định. Thế nên vừa qua, đơn vị đã gửi văn bản khẩn, đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM thực hiện nghiêm túc quy định.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h