Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh hiện có 716 tàu cá không đăng ký, đăng kiểm và chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Số tàu cá nói trên đều dài từ 6m trở lên, tập trung ở huyện Lý Sơn với 228 chiếc, thị xã Đức Phổ 186 chiếc, TP Quảng Ngãi 160 chiếc…
Theo quy định, ngư dân khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản xin phép và được ngành chức năng chấp thuận. Tuy nhiên, các chủ tàu đã chủ quan, không thực hiện theo quy trình này.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, hàng loạt ngư dân lắp đặt động cơ ô tô cho tàu cá trái quy định. Trong khi đó, theo quy định, việc lắp đặt các loại máy như động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được xem là sản phẩm kém chất lượng và bị nghiêm cấm. Do đó, những tàu cá này không thể đăng kiểm để ra khơi.
Theo ông Tạ Ngọc Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, các trường hợp đã có giấy chứng nhận đăng ký nhưng chưa đăng kiểm và chưa có giấy phép khai thác thủy sản chủ yếu do chủ tàu tự ý lắp động cơ ô tô cho tàu cá.
Những tàu này không đảm bảo điều kiện để được đăng kiểm. Một phần do các chủ tàu chủ quan, không thực hiện thủ tục đăng kiểm, dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương tập trung vận động ngư dân tháo động cơ ô tô để lắp lại máy thủy theo quy định. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị Quảng Ngãi rà soát, thống kê lập danh sách tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký của tỉnh và đề xuất giải pháp quản lý.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đang yêu cầu các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, TP Quảng Ngãi tập trung thực hiện yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Báo cáo kết quả thực hiện ngày 9/12 để tổng hợp báo cáo đúng thời gian.
Sau đợt rà soát này, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền đến ngư dân, không để xảy ra trường hợp phát sinh tàu cá đóng mới, mua từ tỉnh ngoài không có văn bản chấp thuận, không có hồ sơ nguồn gốc để hoạt động khai thác thủy sản. Trường hợp ngư dân địa phương không chấp hành sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Đức Bình cũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng để Bộ NN&PTNT xem xét, sửa đổi quy định đưa khối tàu chưa đăng ký vào quản lý, giải quyết những khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá trong thời gian qua. Việc này nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm