Gen Z – nhóm người trẻ sinh từ năm 1997 – 2012, hay từ năm 1995 – 2010 theo một số luồng ý kiến. Là thế hệ mới mới gia nhập thị trường lao động 10 năm trở lại đây, Gen Z có cá tính mạnh so với các thế hệ trước đó. Vì khoảng cách thế hệ nên Gen Z cũng vô tình bị quy chụp là cá tính bốc đồng, “làm màu”.
Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo, không ngại thử thách, Gen Z dành định hình cá tính của mình, tạo nên chất riêng. Hiện nay, nhiều công ty có xu hướng ưu tiên tuyển dụng Gen Z để mang đến làn gió mới cho môi trường làm việc, sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cá tính mạnh là lợi thế của Gen Z?
Chị Nghiệp (22 tuổi, ở TP.HCM, nhân viên marketing của một công ty bất động sản) chia sẻ, đi làm ở môi trường công sở, chị có cơ hội được thể hiện cá tính nổi trội của mình. Thay vì sử dụng các chiến lược quảng cáo bằng các cách truyền thống như: Phát tờ rơi, treo biển quảng cáo…, thì chị tận dụng thế mạnh sử dụng các mạng xã hội như: TikTok, Instagram, Facebook… để thu hút khách hàng.
Chị Nghiệp ưu tiên quay các video theo trend, xu thế hơn, trẻ trung hơn và có định hình thương hiệu riêng chứ không đi theo khuôn mẫu, cứng nhắc đã có.
“Tôi tạo video với phong cách dựng phim độc đáo, chẳng hạn như sử dụng hiệu ứng chuyển cảnh sáng tạo, kể chuyện dưới dạng video blog (vlog) để giới thiệu căn hộ. Tôi giao tiếp với người xem qua các video ngắn và hài hước, dùng ngôn ngữ và biểu cảm tự nhiên để tạo kết nối gần gũi, thay sử dụng các thông tin văn bản khô khan”, chị Nghiệp nói.
Chị Nghiệp kể, chị cũng hay kết nối với các đồng nghiệp bằng cách rủ mọi người uống cà phê hay trà sữa trong giờ nghỉ ngơi. Điều đó khiến môi trường đi làm việc của công ty lúc nào cũng vui vẻ, tích cực và lạc quan.
Là một người thuộc Gen Y (thế hệ Millennials, sinh từ 1981 – 1996), chị Mơ (35 tuổi, ở TP.HCM), cho biết đang phụ trách bộ phận có 5 nhân sự Gen Z cùng làm. Chị Mơ nói, thời gian đầu làm việc, chị thấy không dung hòa được vì khoảng cách thế hệ, cách làm việc, nhưng hiện nay nhóm marketing của chị đã trở thành một nhóm ăn ý và có nhiều thành tích đáng kể.
Nhận xét về nhân sự Gen Z, chị thấy rõ cá tính sáng tạo và đổi mới của các bạn trẻ. Chị đánh giá cao tinh thần làm việc và áp dụng công nghệ vào công việc. Ngoài ra, chị cho rằng Gen Z khá hài hước, luôn tạo không khí vui vẻ cho mọi người. Nên mỗi ngày đi làm, chị không thấy áp lực công việc mà chị có hứng thú và muốn gắn bó với công việc nhiều hơn.
“Các bạn trẻ luôn vui vẻ đón nhận mọi feedback (phản hồi) từ cấp trên. Từ khi làm việc với Gen Z, tôi học được nhiều cái mới như quay các trend TikTok để tạo xu hướng, sử dụng các phần mềm như Canvas, Locket…”, chị Mơ cười.
Chị Mơ khoe cũng thích gu ăn mặc trẻ trung của các bạn Gen Z. “Các bạn trẻ hay chia sẻ cho chúng tôi các tip phối màu của bộ trang phục. Hay khi mua phụ kiện, áo quần trực tuyến tôi cũng gửi hình để tham khảo ý kiến của các bạn để có lựa chọn ưng ý nhất”, chị Mơ kể.
Cần có phương pháp quản lý phù hợp
Chia sẻ về vấn đề này, chị Minh, quản lý nhân sự tại một công ty tổ chức sự kiện (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, quản lý một đội ngũ đa dạng với nhiều thế hệ luôn là một thách thức lớn đối với bất kỳ người sếp nào. Đặc biệt, khi trong đội ngũ có những nhân viên thuộc thế hệ Gen Z có cá tính mạnh, sự khác biệt trong tư duy, lối sống và cách làm việc càng đòi hỏi sếp phải tinh tế, quan sát nhiều hơn.
Gen Z nổi tiếng với tính cách thẳng thắn và không ngại bày tỏ quan điểm của mình. Thế hệ này giàu sức sáng tạo, có những phong cách, phương pháp làm việc riêng nên chuyện xung đột thế hệ là rất dễ hiểu.
“Bản thân tôi khi tiếp xúc, quản lý các bạn nhân viên Gen Z luôn giữ cho mình nguyên tắc 3T, đó là tôn trọng, tử tế, trung thực. Tôn trọng tính cách, lối sống, phong cách, ý kiến của các bạn. Không những vậy, khi làm việc trong một môi trường đa quốc gia như hiện nay, tôn trọng lại càng là yếu tố cần phải đề cao.
Thứ hai là tử tế. Khi có vấn đề xảy ra, nên thử đặt mình vào vị trí của nhân viên, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng. Những nhân viên có cá tính mạnh thường đi kèm với một cái tôi cao, dễ tổn thương, tự ái và có thể sẵn sàng “bật” sếp để bảo vệ mình. Thay vì chỉ trích, tôi thường chỉ ra những điểm cần cải thiện và khuyến khích nhân viên phát huy điểm mạnh của họ. Điều này giúp họ cảm thấy được định hướng và hỗ trợ trong công việc.
Cuối cùng là sự trung thực. Đây là giá trị cốt lõi khi đi làm tôi học được ở người sếp đầu tiên của mình. Môi trường tập thể sẽ có nhiều màu sắc tính cách, dù là mềm mỏng, nhẹ nhàng hay cá tính mạnh mẽ cũng đều được hoan nghênh. Điều quan trọng là nhân viên đó phải trung thực, minh bạch trong công việc. Bản thân người làm quản lý như tôi cũng luôn giữ cho mình công tư phân minh”, chia sẻ của chị Minh.
Chị Thu Hồng (24 tuổi, TP.HCM) là một thành viên trong nhóm do chị Minh quản lý bày tỏ, nhờ có một người sếp tôn trọng, lắng nghe, chị cũng như các đồng nghiệp luôn cảm thấy phấn khởi khi đi làm.
“Thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z luôn mong đợi sự công nhận, tôn trọng cá tính, sở trường, khả năng từ sếp. Tôi xem sếp giống như một người chị gái vì nể nang sự tri thức, thấu hiểu, bao dung mà chị dành cho nhân viên. Chúng tôi luôn thấy mình được tôn trọng, có động lực làm việc khi có một người sếp như thế”, chị Hồng nói.
Quản lý nhân viên Gen Z có cá tính mạnh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng nếu biết cách tiếp cận và xử lý khéo léo, người sếp có thể biến những thách thức này thành cơ hội để phát triển đội ngũ. Sự linh hoạt, lắng nghe, tôn trọng và giao tiếp minh bạch là những yếu tố then chốt giúp dung hòa cá tính mạnh của Gen Z, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả.
Lao động – Tin Tức Việc làm