Lương là “phao cứu sinh”
Chuẩn bị ra trường, bạn Trương Thị Trúc Anh (22 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang tìm một công việc để gắn bó, phát triển lâu dài. Trúc Anh đặt ra một số tiêu chí tìm việc gồm: lương, yêu cầu công việc, khoảng cách địa lý… và ưu tiên ứng tuyển ở công ty có tiền công đúng nhu cầu của mình.
“Tôi sẽ bị thu hút bởi các thông tin tuyển dụng có lương hấp dẫn hơn những việc lương thấp hoặc các công việc tình nguyện. Gia đình tôi ở dưới quê khó khăn, tôi không muốn phụ thuộc ba mẹ nữa. Nên bây giờ khi ra trường, tôi muốn có lương đủ để trang trải cuộc sống và nếu dư dả sẽ gửi gia đình phụ thêm”, Trúc Anh nói.
Với những áp lực của một sinh viên sắp ra trường, Trúc Anh tin rằng lương như chiếc phao cứu sinh để khẳng định và nuôi sống bản thân.
Thế nhưng, Trúc Anh cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay đưa ra mức lương rất “thượng vàng hạ cám”, nhiều nơi đưa ra đãi ngộ thấp đến mức khó tin. Trên các diễn đàn tuyển dụng, vẫn có nhiều doanh nghiệp đang muốn tuyển nhân viên về làm việc của 10 người với mức lương của 1 người.
“Doanh nghiệp cần fairplay (công bằng – PV) hơn vì hiện nay mức sống tại thành phố rất cao. Không ai thật sự làm vì đam mê đâu. Còn về kiến thức, kỹ năng, mỗi sinh viên phải tự trang bị cho mình thôi. Tôi tin là doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đào tạo cho người mới chứ không phải chỉ riêng sinh viên mới ra trường”, Trúc Anh chia sẻ.
Lấy kinh nghiệm trước
Trong khi đó, bạn Trần Kiều Trâm (22 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), lại đặt vấn đề trải nghiệm lên hàng đầu vì cho rằng đây là đà phát triển cho những công việc dài hơi trong tương lai.
“Tôi dự định thời gian đầu, khoảng vài tháng cho tới 1 năm, mình có thể chấp nhận chọn một công việc cho mình nhiều trải nghiệm hơn là có mức lương hấp dẫn. Không ở đâu kiếm tiền dễ cả. Khi có kinh nghiệm thì mình cũng có cơ sở hơn để deal (đàm phán) lương cao”, Trâm chia sẻ.
Tìm việc khắp các diễn đàn, Trâm nhận xét các doanh nghiệp dường như cắt giảm chi phí hoặc đã quên mất khâu đào tạo người mới, thế nên hầu hết tuyển dụng ở thế “phòng thủ”, yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm ít nhất một năm.
Tuy vậy, Trâm không phủ nhận tầm quan trọng của lương, nhất là khi đây là công cụ giúp sinh viên “thoát kén”, tự nuôi sống bản thân. “Nhiều doanh nghiệp nắm được tâm lý trải nghiệm của người mới nên họ đang xem nhẹ nghĩa vụ lương đối với lao động trẻ. Tôi thấy đôi bên phải tính toán mức lương phù hợp hơn. Trải nghiệm kèm một mức lương phù hợp sẽ giúp cá nhân có động lực cống hiến hết sức”, Trâm cho biết.
Cân nhắc thêm nhiều giá trị khác
Chị Lưu Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, đánh giá hiện nay, lao động trẻ, nhất là thế hệ gen Z xem lương và trải nghiệm là hai yếu tố quan trọng nhất khi tìm việc.
Bởi với áp lực tài chính và nhu cầu tự lập cao, người lao động coi lương là yếu tố để tồn tại, đảm bảo cuộc sống ổn định và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cá nhân.
Chưa kể, mức lương cũng là hình thức thể hiện sự công nhận và là “mặt tiền” để đánh giá công việc của người lao động. “Một mức lương hấp dẫn được coi là một hình thức công nhận giá trị và đóng góp của người lao động trong công việc”, chị Thủy nói.
Song song đó, trải nghiệm là thường mang tính cầu tiến và quan tâm đến việc phát triển lâu dài hơn.
Với vai trò nhà tuyển dụng, chị Thủy cho biết người lao động khi tìm việc đều có sự ưu tiên và giá trị riêng. Vì vậy, lựa chọn yếu tố nào là quan trọng nhất sẽ tùy vào nhu cầu của mỗi người.
Tuy nhiên, chị Thủy lưu ý người lao động cũng cần cân nhắc đến các yếu tố khác như giá trị công việc, mục tiêu cá nhân, môi trường làm việc, cơ hội phát triển… Từ đó, mới có thể cân bằng và tìm được một công việc lý tưởng, gắn bó lâu dài.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h