Hồi tháng 10.2022, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) công bố báo cáo thị trường lao động quý 3/2022 dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của hơn 23.500 lượt doanh nghiệp và hơn 65.000 người lao động có nhu cầu tìm việc. Thời điểm đó, thị trường lao động tại TP.HCM đã tranh luận sôi nổi về “mức lương tuyển dụng 20 triệu đồng/tháng”.
CUNG – CẦU CHƯA CÂN ĐỐI
Theo báo cáo nói trên, khi phân tích nhu cầu nhân lực theo mức lương, kết quả cho thấy doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở mức từ 5 – 10 triệu đồng/tháng (chiếm 44,33% tổng nhu cầu) ở các vị trí như nhân viên thu mua, văn phòng, hành chính nhân sự, kỹ thuật viên điện, điện tử.
Mức dưới 5 triệu đồng/tháng (chiếm 6,8%) với các công việc như nhân viên phục vụ, bán hàng, thực tập sinh. Mức từ trên 10 – 15 triệu đồng/tháng (chiếm 28,10%) tuyển chuyên viên kinh doanh bất động sản, chuyên viên tài chính – bảo hiểm, chuyên viên chăm sóc khách hàng, thiết kế đồ họa.
Mức lương từ trên 15 – 20 triệu đồng/tháng (8,11%) cho các vị trí có trình độ chuyên môn, tay nghề cao như chuyên viên marketing, trưởng nhóm, trưởng bộ phận. Còn ở mức lương trên 20 triệu đồng/tháng (12,6%), doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như giám đốc, trưởng phòng…
Ngược lại, hiếm người lao động có nhu cầu tìm việc mức 5 triệu đồng/tháng (0,68%), nếu có chủ yếu là ở các vị trí lao động phổ thông như phục vụ, bảo vệ, thực tập sinh. Còn lại phân bố như sau: mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng (13,14%), trên 10 – 15 triệu đồng/tháng (26,96%), trên 15 – 20 triệu đồng/tháng (18,19%) và đặc biệt, từ 20 triệu đồng/tháng trở lên chiếm tới 41,03% ở các vị trí thông thường như nhân viên kinh doanh, kế toán, quản lý nhà hàng, nhân viên hành chính nhân sự, kỹ sư cơ khí, chuyên viên marketing…
Lúc đó, trên các diễn đàn, người lao động và giới nhân sự tranh luận rất sôi nổi. Nhiều người cho rằng việc người lao động đặt tiêu chí về mức lương như trên là xuất phát từ thực tế khi các chỉ số tiêu dùng về chỗ ở, giáo dục, y tế, hàng hóa đều tăng “phi mã”; trong khi đó, doanh nghiệp đang đưa ra mức lương thấp nhưng lại đòi hỏi nhiều về trình độ, tay nghề của người lao động cao hơn trước. Nhóm ý kiến khác cho rằng người lao động đang đòi hỏi quá cao trong khi giá trị năng lực chưa đáp ứng nhu cầu công việc của công ty. Một số khác phân tích cung – cầu lao động đang lệch pha khi ngành nghề tuyển dụng và tìm việc không giao nhau.
Đến tháng 6.2023, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM lại có sự thay đổi mạnh mẽ khi có các doanh nghiệp đưa ra mức lương tuyển dụng phân bố rộng hơn, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM. Khảo sát 42.800 lượt doanh nghiệp và 76.022 người lao động cho thấy ở khu vực mức lương 20 triệu đồng/tháng cần 28.438 nhân sự (chiếm 18,5%) cho vị trí kỹ thuật điện tử, phần mềm, công nghệ thông tin, nhân viên sale game… Còn về phía người lao động, nhu cầu tìm việc trên 20 triệu đồng lại giảm mạnh, cụ thể là chỉ còn 19%.
Câu chuyện về lương còn bị tác động bởi cán cân cung – cầu lao động, nhất là phân theo trình độ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 80% nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng, chưa tới 20% nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, số lao động tìm việc có trình độ đại học chiếm hơn 84%. Ngoài ra, việc mức lương hạ nhiệt còn do bối cảnh kinh tế khó khăn chung, doanh nghiệp cắt giảm chi phí, hạn chế tuyển dụng, nhất là các vị trí lương cao. Điều này cũng làm giảm đi nhu cầu và kỳ vọng về mức lương của người lao động.
“SIẾT” TỪ KHÂU TUYỂN DỤNG
Khi khảo sát nhiều người lao động, chúng tôi ghi nhận đa số ý kiến cho rằng hiện nay tìm việc khó hơn trước. Tất nhiên, có tìm được một công việc hay không còn tùy thuộc vào trình độ, quan điểm sống về sự nghiệp, thăng tiến và nhu cầu tiêu dùng của mỗi cá nhân, nhưng để có việc trong bối cảnh hiện nay, phần lớn người lao động phải bỏ từ 1 – 2 tiêu chí nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nhân sự tại nhiều công ty ở lĩnh vực khác nhau tại TP.HCM cho biết các doanh nghiệp đang thận trọng trong tuyển dụng lao động hơn so với trước đây, nhất là khi chứng kiến những “điều không chắc chắn” của thị trường sau dịch Covid-19.
DOANH NGHIỆP ĐÁNH GIÁ EQ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
B.N.D (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hiện nay anh đang công tác tại một công ty công nghệ với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Khoảng 6 tháng trước, anh từng ứng tuyển và đi phỏng vấn nhiều công ty khác nhau.
Theo D., nếu trước đây đa số doanh nghiệp thường đánh giá người lao động qua các tiêu chí như: kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng làm việc nhóm, tính chuyên nghiệp, sự phù hợp văn hóa công ty…, thì nay doanh nghiệp có nhiều câu hỏi “khó hơn”, như liên quan đến EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) và sức sáng tạo của ứng viên.
“Có lần, nhà tuyển dụng trực tiếp đánh rớt khi phỏng vấn tôi vì cho rằng tôi có EQ thấp. Họ đánh giá như thế vì tôi không nhớ được hết khoảng 20 nhãn hiệu mà công ty đang phân phối. Hay một lần tôi bị đánh giá kém sáng tạo, bộ phận nhân sự của công ty nhận xét công việc của tôi trước đây chỉ viết theo những chương trình sẵn có chứ tôi không tự tiên phong được bất cứ chiến dịch, dự án nào. Trong khi đó, mức lương mà cả hai công ty đưa ra chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng với khối lượng công việc trong JD (Job Description, bản mô tả chi tiết nhiệm vụ công việc – PV) là khá nặng nề”, D. kể lại.
D. cho rằng người sử dụng lao động có lẽ đang đòi hỏi nhiều hơn. Đồng ý với nhận định này, Nguyễn Hoàng Mai (26 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng) cho hay cô vừa nộp đơn nghỉ việc vì khối lượng công việc tăng cao, áp lực về doanh số trong khi công ty cắt bớt mức thưởng chỉ tiêu.
Một nhân sự ở công ty chuyên về logistics cho biết thị trường lao động đang chứng kiến một thế hệ mới – gen Z, với những suy nghĩ rất khác thế hệ trước về môi trường làm việc, chính sách phúc lợi, xu hướng làm việc nhóm, cách quản lý của người lãnh đạo…; và việc đánh giá EQ trong tuyển dụng nhằm giúp doanh nghiệp kiểm tra khả năng thích nghi của ứng viên với môi trường làm việc của công ty, tránh những ứng viên dễ tự ái, bảo thủ, hay stress…
Chị Kiều Oanh, chuyên viên phát triển kinh doanh Công ty Professions Việt Nam (một đơn vị cung ứng nhân sự), cho biết do biến động kinh tế, thị trường kém đầu ra, ít việc làm nên các công ty dần tinh giản bộ máy nhân sự. Vị trí thực tập sinh, sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm cũng hạn chế tuyển hơn để giảm chi phí, thời gian đào tạo lại từ đầu. Ngoài ra, các công ty hiện nay đều yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm, kỹ năng của các ứng viên, trong khi mức lương lại ít hấp dẫn hơn trước.
Chị Lê Hiền, đang làm việc cho một công ty tại Q.1, TP.HCM, liệt kê các nguyên do chính dẫn đến thị trường tuyển dụng không còn sôi nổi như trước: thứ nhất là tình hình kinh doanh và tài chính của mỗi doanh nghiệp, nếu áp lực tài chính tăng cao thì cần giảm tuyển dụng để tiết kiệm nguồn lực. Thứ hai, doanh nghiệp thay đổi chiến lược phát triển theo hướng tận dụng tối đa công nghệ và cải thiện chỉ số hiệu suất, tăng yêu cầu công việc của người lao động. Thứ ba, doanh nghiệp muốn tuyển dụng ứng viên có kỹ năng và trình độ phù hợp với nguồn nhân lực hiện có. Thứ tư, chính sách phúc lợi và điều kiện làm việc mong muốn của người lao động và doanh nghiệp hiện nay chưa gặp nhau.
“Ngoài ra, có thể vì nguồn cung lao động ở lĩnh vực đó vượt cầu, điều này gây ra áp lực lên mức lương và khả năng tìm việc”, chị Lê Hiền phân tích. (còn tiếp)
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h