Nhiều thanh niên Trung Quốc sử dụng từ khóa “bạn tâm sự” để tìm những người lạ đang cung cấp hoặc cần sử dụng dịch vụ trò chuyện có trả phí.
Chẳng hạn, một đăng tải trên nền tảng Xiaohongshu viết: “Có ai rảnh làm bạn tâm sự với tôi một lúc không? Tôi sẵn sàng trả tiền”. Ngay sau đó, bài viết nhận được nhiều câu trả lời từ những người đang cung cấp dịch vụ “bạn tâm sự”.
Thực tế, dịch vụ “bạn tâm sự” đã tồn tại trên mạng xã hội Trung Quốc vài năm trở lại đây. Hiện tượng này phản ánh nhu cầu tinh thần của không ít người dùng mạng xã hội tại Trung Quốc. Họ sẵn sàng chi tiền để có người trò chuyện với mình, giúp mình cảm thấy bớt cô đơn.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một hạng mục dịch vụ mới và sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu cảm xúc của nhiều người độc thân cảm thấy cô đơn.
Khi số lượng thanh niên sống độc thân và trì hoãn hôn nhân tại Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhiều người trẻ đã tìm tới các dịch vụ online để cảm thấy bớt cô đơn. Việc nhiều người sẵn sàng trả tiền để được trò chuyện với người thật đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu xã hội học.
Theo thống kê gần đây nhất của Trung Quốc, năm 2020, số lượng người độc thân ở độ tuổi từ 20 đến 49 tại quốc gia này vào khoảng 134 triệu người.
Số lượng người đăng ký kết hôn tại Trung Quốc liên tục giảm trong vòng một thập kỷ qua. Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, trong 3 quý đầu năm nay, chỉ có khoảng 4,75 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, đây là con số thấp kỷ lục.
Giáo sư Wang Pan đang làm việc tại khoa Trung Quốc và châu Á học, thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhận định: “Nhiều thanh niên và trung niên Trung Quốc đang cảm thấy cô đơn. Ngay cả khi họ lựa chọn sống độc thân, họ cũng có nhu cầu tình cảm, nhu cầu chia sẻ. Điều này làm xuất hiện những dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người độc thân”.
Năm 2019, công ty tài chính Sinolink Securities (Trung Quốc) đã sớm dự báo về triển vọng của mảng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hướng tới người độc thân tại Trung Quốc. Theo đó, mảng kinh doanh này sẽ có giá trị vào khoảng 50 tỷ tệ tính tới năm 2025.
Nữ sinh viên Li Shuying (18 tuổi), một người đang cung cấp dịch vụ trò chuyện có trả phí trên các nền tảng mạng xã hội, cho biết: “Tôi làm công việc này để kiếm thêm tiền sinh hoạt phí. Tôi thấy rằng công việc này vừa dễ dàng vừa không gây ra các vấn đề tiêu cực”.
Chi phí sử dụng dịch vụ trò chuyện online trên mạng xã hội Trung Quốc đang ở mức từ 8 đến 50 tệ cho 30 phút trò chuyện (tương đương từ 30.000 đến 175.000 đồng). Li mới bắt đầu làm công việc này nên cô đưa ra mức thù lao khiêm tốn nhất. Li cho biết hiện tại các khách hàng của cô chủ yếu là nam giới. Dù vậy, Li cũng có một khách hàng nữ đang gặp khủng hoảng trong công việc.
Li thừa nhận rằng có một số khách hàng nam đã tán tỉnh cô trong lúc trò chuyện, dù vậy, không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Li tự tin bản thân có thể xử lý được những tình huống dạng này. Đa số khách hàng của Li vẫn là những người đang thực sự cần được lắng nghe, chia sẻ.
Theo giáo sư Wang Pan, sự xuất hiện của dịch vụ trò chuyện có trả phí cho thấy nhiều người đang cảm thấy cô đơn trong đời sống thực. Họ có thể liên tục online, có kết nối với nhiều người trên mạng xã hội, nhưng kỳ thực họ vẫn âm thầm khủng hoảng vì cô đơn.
Giáo sư Wang Pan dự đoán trong tương lai, các mối quan hệ sẽ ngày càng biến hóa đa dạng, thậm chí có thể bị thương mại hóa vì vấn nạn cô đơn mà nhiều người đang phải đối diện. Những sản phẩm và dịch vụ hướng tới đối tượng khách hàng là người độc thân cũng sẽ ngày càng đa dạng hơn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm