Những ngày qua, PV Tin Tức Tuyển Dụng nhận được một số phản ánh của doanh nghiệp liên quan quy định mới về giấy phép lao động cho người nước ngoài, được đề cập trong Nghị định 70 năm 2023 (sửa đổi Nghị định 152 năm 2020) của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đánh giá, Nghị định 70 có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị còn gặp vướng mắc.
Băn khoăn về thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH
Chia sẻ với PV, đại diện một ngân hàng chi nhánh nước ngoài tại TP.HCM nêu băn khoăn về thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH về chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người nước ngoài làm việc ở:
- Tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập.
“Hiện tại đơn vị chưa làm thủ tục cụ thể nhưng cũng rất băn khoăn. Trước đây, làm các thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là ở TP.HCM. Nếu có khó khăn, trở ngại gì thì có thể liên hệ ngay để được hướng dẫn. Nếu giờ mà cấp giấy phép ở bộ, liệu doanh nghiệp sẽ phải bay ra TP.Hà Nội chăng? Và nếu có khó khăn, trở ngại gì thì trao đổi qua điện thoại thì không biết có giải quyết được hay không?”, đại diện ngân hàng này nói.
Liên quan nội dung trên, trước đó, ngày 19.10, tại TP.HCM có diễn ra hội nghị đối thoại các doanh nghiệp với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cùng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và các địa phương.
Một nam đại diện hãng hàng không V. tại hội nghị này nêu thắc mắc: “Từ lúc ra nghị định mới thì doanh nghiệp hơi hoang mang và hồ sơ cũng đang bị đứng, chưa biết sẽ tiếp tục làm ở đâu, bởi về Bộ LĐ-TB-XH thì khó khăn cho doanh nghiệp, vì hoạt động chính của đơn vị ở TP.HCM. Nếu làm qua bưu điện thì mất thời gian, phi công di chuyển liên tục nên liên hệ khó khăn”.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết mới đây đơn vị cũng có gửi công văn đề nghị Cục Việc làm Bộ LĐ-TB-XH giải đáp về nội dung này.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, quy định về thẩm quyền cấp giấy phép có một số quy định chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là đơn vị có giấy phép thành lập của các cơ quan Trung ương về ngành nghề hoạt động có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, luật sư…, cũng như công tác quản lý nhà nước tại các địa phương trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến người lao động nước ngoài.
Quy định mới về đăng tuyển thông tin tuyển dụng
Một điểm mới hoàn toàn trong Nghị định 70 chính là từ ngày 1.1.2024, doanh nghiệp phải đăng thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài, trên cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm hoặc của trung tâm dịch vụ việc làm địa phương.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị cũng đang băn khoăn về quy định này. Nhân sự của một hãng hàng không tại TP.HCM chia sẻ rằng hiện nay, những người nước ngoài đang có giấy phép lao động của đơn vị là những người kỳ cựu, có cổ đông, rất khó cho đơn vị để đăng tuyển.
Điều đó có nghĩa, một số trường hợp người đại diện theo pháp luật có tên trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người nước ngoài đại diện vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hay người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam phải đăng thông tin tuyển dụng lao động Việt Nam vào chính vị trí nhà quản lý mà họ đang điều hành. Thế nên, nội dung này là chưa phù hợp.
Nhân sự hãng hàng không này cũng cho hay nội dung trên cũng sẽ gây khó cho các phòng, ban của đơn vị vì các kế hoạch tuyển dụng, nhân sự không được thống nhất.
Đề nghị giảm thủ tục hành chính
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết rằng các quy định mới về giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, AmCham ghi nhận ý kiến của các đơn vị thành viên rằng hiện nay quá trình thực hiện các thủ tục về giấy phép lao động còn đòi hỏi quá nhiều tài liệu cần đến dịch vụ công chứng, hợp pháp hóa, dịch thuật.
Vì vậy, Việt Nam cần hướng đến giải quyết thống nhất, đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư.
Ngoài ra, theo một số đơn vị, nghị định mới có quy định một trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động là giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành. Các giấy tờ cần cung cấp ngoài giấy chứng nhận thành lập, nghị quyết hoặc quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn có điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của đơn vị.
Điều này là chưa phù hợp bởi nhiều tổ chức không có cung cấp được quy chế hoạt động, như văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam, văn phòng điều hành của nhà thầu dầu khí.
Chưa kể, trong quy định về pháp luật chuyên ngành không bắt buộc doanh nghiệp phải có quy chế hoạt động. Thế nên cần Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h