Ngược Cao Sơn
Khi trời còn chưa rõ mặt người, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược 3 bản Son – Bá – Mười hay còn gọi là Cao Sơn, thuộc xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Cũng như bao du khách khác, tôi mang theo sự hăm hở được trải nghiệm cung đường uốn lượn, quanh co đầy mạo hiểm để đến với vùng đất Cao Sơn.
Đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này là ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao. Ông Tuấn động viên, đường ngược Cao Sơn giờ đã thuận lợi hơn trước nhiều, chừng 30 phút đồng hồ là đã đến nơi.
Cao Sơn cách trung tâm xã Lũng Cao gần 10km. Ngày trước, khi chưa có đường tỉnh 521B, từ trung tâm xã để lên được Cao Sơn phải mất cả ngày trời chỉ để leo núi, luồn rừng, băng suối và đôi khi phải đối mặt với thú dữ.
Cũng bởi vậy, suốt một thời kỳ, Son – Bá – Mười gần như là một vùng tách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống của người dân rất khó khăn, tự cung, tự cấp.
Năm 2015 đường tỉnh 521B được hình thành, rút ngắn khoảng cách đến Cao Sơn. Ông Tuấn nói, với 3 bản Son – Bá – Mười thì đó là con đường huyết mạch, mở ra cơ hội phát triển giao thương, du lịch cho bà con nơi đây.
Để rút ngắn khoảng cách, người ta đã phải xẻ các ngọn núi có độ dốc lớn, từ đó tạo nên những ta luy dương sừng sững. Con đường như sợi chỉ giữa rừng với những khúc cua tay áo, vặn xoắn qua các ngọn đồi, hiểm trở. Song với những người ưa trải nghiệm khám phá thì cung đường “thượng sơn” Son – Bá – Mười luôn là thử thách hấp dẫn.
Chiếc xe của Phó Chủ tịch UBND xã gằn máy, về số 2, rồi số 1, phải kéo ga hết cỡ để ì ạch leo từng đoạn dốc. Hơn 30 phút sau khi chinh phục những con dốc quanh co, uốn lượn, chúng tôi cũng chạm “ốc đảo” Cao Sơn.
Dừng chân trên đỉnh Pha Hé sừng sững với độ cao 1.200m so với mực nước biển, ông Tuấn chỉ tay về những đám mây trắng bồng bềnh đang dần tan ra hiện rõ không gian rộng lớn. Phía bên kia thung lũng là Phố Đoàn, thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước với những nếp nhà bình dị.
Theo ông Tuấn, Son – Bá – Mười được bao bọc bởi các dãy núi non trùng điệp, hiểm trở như Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có, Pha Hé… chạy song song với dãy Pù Luông thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên nơi đây có khí hậu khác biệt với bên ngoài.
“Vào mùa hè nóng nực, khi nhiệt độ ở trung tâm xã Lũng Cao lên tới gần 37 độ C thì ở đây nhiệt độ chỉ dao động 25, 27 độ C, không khí mát mẻ, thậm chí se lạnh về đêm”, ông Tuấn cho biết.
Du lịch – “chìa khóa” để Cao Sơn thoát nghèo
Đặt chân đến bản Son, trước mắt tôi như một bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Những nếp nhà sàn đặc trưng của người Thái nằm nhấp nhô dọc triền núi; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn được điểm tô bởi màu vàng của lúa chín.
Ba bản Son – Bá – Mười có 190 hộ dân với khoảng 800 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống. Trước đây bà con xoay vần với nương ngô, dãy sắn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Thậm chí, một thời kỳ dài, khu Cao Sơn không có điện, cách trở về giao thông. Chính vì khó khăn nên từng có thời kỳ người dân Cao Sơn xin cắt khẩu để nhập về huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
“Giờ đường sá thuận lợi, các bản này có thời tiết quanh năm mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú, thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, bà con nơi đây đang bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng và bước đầu đạt được những kết quả nhất định”, ông Tuấn nói.
Tại Cao Sơn đã có 2 homestay đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch, với sức chứa khoảng 200 khách cùng lúc. Vào dịp cuối tuần, có thời điểm Son – Bá -Mười đón khoảng 100 du khách/ngày.
Cùng với dịch vụ ăn nghỉ, du khách còn được tham quan thắng cảnh thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa.
Ngoài phát triển du lịch, bà con nơi đây còn tập trung phát triển các mô hình trồng rau, quả hữu cơ, vừa cung cấp nông sản sạch cho thị trường, vừa tạo cảnh quan, phục vụ hoạt động phát triển du lịch.
Tất bật thu hoạch cam để kịp nhập cho thương lái, bà Bùi Thị Định, bản Mười hồ hởi: “Cam mọng nước, ngọt lắm. Năm nay được giá, bà con đang bán 25.000-30.000 đồng/kg”.
Gia đình bà Định có 200 gốc cam, mỗi năm thu hoạch được hơn 3 tấn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình thu về khoảng 70 triệu đồng tiền lãi.
Theo ông Tuấn, ở Cao Sơn có khoảng 15ha cam. Ngoài trồng cam, bà con còn trồng lúa, ngô, su su, mướp đắng… Nông sản của bà con thu hoạch đến đâu “cháy hàng” đến đó, đặc biệt là cam, su su, mướp đắng. Các sản phẩm được thương lái đến tận đồi thu mua, số còn lại bà con mang bán ở chợ Phố Đoàn.
Trong căn nhà sàn khang trang được sơn mới, khuôn viên sân vườn thiết kế kiểu homestay, ông Ngân Mạnh Hùng, Trưởng bản Mười, cho biết nếu như trước đây cả bản 100% hộ nghèo thì nay, bà con không còn lo cái ăn, cái mặc, bản có hơn 90% hộ dân có tivi, xe máy. Nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu từ mô hình kinh tế, mở homestay. Vui hơn khi con em, người trẻ trong bản đã bắt đầu đi học và đầu tư làm du lịch.
Theo ông Tuấn, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, bằng nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đang phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức lớp học trồng rau hữu cơ tại bản Mười. Ngoài ra, tháng 11, dự kiến sẽ khai giảng lớp học nấu ăn tại UBND xã.
Nói về hướng thoát nghèo của 3 bản Son – Bá – Mười, ông Tuấn cho biết, UBND huyện, xã định hướng cho bà con là phát triển du lịch làm mục tiêu lâu dài. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới.
Rời Cao Sơn, sau lưng tôi ánh điện đã bừng sáng trong những nếp nhà sàn. Tôi tin, vùng đất đặc biệt này, nơi được ví như “Sa Pa của xứ Thanh” sẽ sớm được đánh thức, đổi thay nhờ làm du lịch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm