Cơ sở thêu tay của Lê Thị Kim Thoa (SN 1992) tại căn nhà cấp 4, ở phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa. Cơ sở này rộng khoảng 50m2, có không gian yên tĩnh, được bài trí bắt mắt.
Vốn tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) nhưng vì yêu thích những món đồ thủ công, cuối năm 2018, Kim Thoa quyết định theo học nghề thêu tay tại trung tâm đào tạo của nghệ nhân Thu Cúc nổi tiếng Việt Nam.
Từ năm 2021 đến nay, ngoài những sản phẩm thêu tay truyền thống, Kim Thoa còn được nhiều khách hàng biết đến với sản phẩm độc đáo – thêu tranh trên lá bồ đề.
Nữ nghệ nhân chia sẻ, thêu tranh trên lá bồ đề đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian.
“Khi được một người bạn giới thiệu về những sản phẩm thêu tranh trên lá cây, tôi đã rất hứng thú. Sau đó tôi có nhờ cô giáo Thu Cúc truyền đạt kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm mới thấy rất khó, mặc dù đã có tay nghề thêu nhưng phải mất hơn một tháng tôi mới làm quen được”, Kim Thoa chia sẻ.
Kim Thoa cho biết, để tạo ra sản phẩm thêu tranh trên lá bồ đề phải trải qua nhiều công đoạn. Lá bồ đề được sử dụng phải là loại lá không quá non, cũng không quá già, đã qua xử lý hết chất diệp lục.
Sau khi xử lý, lá bồ đề trở nên mỏng manh hơn ban đầu, chỉ còn lại phần gân lá. Quá trình thêu, nếu không khéo léo, chiếc lá sẽ bị rách, gãy.
“Thông thường tôi đặt mua những chiếc lá bồ đề đã qua xử lý. Tùy vào yêu cầu đặt hàng của khách, sẽ dùng bút vẽ mẫu hình lên lá hoặc in mẫu hình lên giấy. Công đoạn cuối cùng là dùng chỉ thêu để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.
Thời gian để hoàn thiện một tác phẩm khoảng 1-2 ngày, có những sản phẩm mất gần một tuần, tùy vào kích thước và độ khó của từng sản phẩm”, Kim Thoa chia sẻ.
Kim Thoa cũng cho hay, do lá bồ đề bị giới hạn về kích thước nên khi thêu phải chính xác đến từng chi tiết. Một chi tiết sai dù nhỏ đến mấy cũng khiến tác phẩm bị hỏng.
Hiện mỗi tháng Kim Thoa nhận khoảng 20-30 đơn đặt hàng. Với giá bán từ 360.000 đồng đến 600.000 đồng/lá bồ đề nhỏ và khoảng 3-4 triệu đồng/lá bồ đề lớn, cô có thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng.
Ngoài những sản phẩm trên lá bồ đề, thời gian qua, Kim Thoa cũng thay đổi nhiều mẫu mã thêu tay ứng dụng. Cô tập trung sản xuất các sản phẩm thêu tay gắn với các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như nơ cài tóc, cúc áo, khẩu trang…
Dự định về tương lai, Kim Thoa cho biết, bản thân đang có ý tưởng sẽ đào tạo thêm học viên. Đồng thời sáng tạo thêm các ý tưởng thêu trên lá bồ đề như thêu chân dung phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, các linh vật, các trò chơi dân gian gắn với văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm