Những năm gần đây người dân dọc Quốc lộ 13 (đoạn qua TP Thủ Đức, TPHCM) đã quen thuộc với hình ảnh người thanh niên gầy gò, da đen cháy, đôi tay đầy sẹo bỏng… mưu sinh bằng nghề cà số khung, số máy xe ô tô trên tuyến đường này.
Nằm dưới gầm xe ô tô để cà số khung, anh Trí nói vọng lên, nghề này lúc nào người ngợm cũng nhem nhuốc vì thường xuyên chui dưới gầm xe để cà số khung, luồn mình vào trong capô đầy bụi bặm để cà số máy.
“Nghề này nghe có vẻ lạ và đơn giản nhưng xắn tay vào làm mới nếm đủ khó khăn, vất vả. Những người đã có kiến thức, kinh nghiệm thì 5-10 phút có thể cà xong một xe, còn không thì mất cả tiếng cũng chưa lấy được số”, anh Trí nói về nghề của mình.
Mỗi ngày, anh phải dậy từ sớm, cà số cho các cửa hàng, showroom (phòng trưng bày) ô tô để họ kịp làm hồ sơ rồi bàn giao xe cho khách. Nghề này dù vất vả, cơ cực nhưng đổi lại thu nhập ổn định. Mỗi ngày anh Trí cà được từ 30-40 xe. Mỗi xe cà 6 bộ số, tùy độ khó, dễ của xe mà tiền công được tính 300-400 nghìn đồng/xe.
Anh Trí kể, năm 2015, anh rời quê vào TPHCM làm nghề sơn và sửa chữa xe ở gara ô tô. Trong quá trình làm thợ sửa ô tô, anh Trí thấy nhiều khách thuê cà số khung, số máy nhưng ít thợ nhận vì việc này mất rất nhiều thời gian, lăn lê gầm xe, hầm máy vất vả.
Sau những lần như vậy, tối về nằm trằn trọc suy nghĩ, anh Trí nhen nhóm ý định làm một thợ cung cấp dịch vụ cà số khung, số máy chuyên nghiệp.
Cũng từ ngày đó anh thường xuyên nghiên cứu về các hãng xe, dòng xe rồi nhớ thuộc lòng vị trí số khung, số máy của từng loại xe. Năm 2021, anh Trí chính thức vào nghề cà số khung, số máy.
“Sau khi trải qua đủ khó khăn, đôi tay đã quen nghề, tôi nghỉ làm thợ sửa xe, trực tiếp tới các cửa hàng kinh doanh ô tô dọc tuyến đường Quốc lộ 13 để giới thiệu về dịch vụ nhận cà số khung, số máy.
Mới đầu, các gara, showroom còn bỡ ngỡ nhưng vì đây là nhu cầu thiết thực nên càng về sau số người gọi tôi tới cà số càng nhiều”, anh Trí trải lòng.
Cũng theo anh Trí, để cà số xe cần phải dùng loại giấy decal a4 đế vàng theo quy chuẩn của Cảnh sát giao thông, áp vào mặt dãy số dập nổi trên thân xe (chính là số khung và số máy của động cơ) và dùng bút chì cà lên trên mặt giấy để dãy số in lại trên giấy.
Để cà số kịp thời cho các salon ô tô, hiện nay anh Trí đã tuyển thêm một số thợ trẻ, sau thời gian cầm tay chỉ việc, anh chia mối cho các thợ mới đi cà số.
“Để theo được nghề này cũng phải biết sửa xe ô tô một cách cơ bản. Một người mới theo nghề thì phải qua 1-2 năm mới hiểu, nắm được cấu trúc, bố trí khung gầm, động cơ từng dòng xe, đời xe, từ đó mới tìm ra vị trí dập số khung, số máy để cà”, anh Trí cho hay.
Anh Nguyễn Thái Tân, đại diện salon ô tô T. H. P., TP Thủ Đức, TPHCM cho biết, số khung xe ô tô là dãy số duy nhất được gắn vào khung xe, được sử dụng để nhận dạng chiếc xe.
Số máy là dãy số duy nhất gắn vào động cơ xe, dùng để nhận diện động cơ của xe. Số máy thường được khắc trực tiếp trên block (khối) động cơ.
“Theo quy định, để đăng ký một chiếc xe mới, chủ xe phải cung cấp thông tin số khung và số máy cho cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký chiếc xe. Để có thể cung cấp thông tin này, chủ phương tiện phải biết được số khung số máy của phương tiện nằm ở vị trí nào để sao chép/ghi lại (cà)”, anh Tân giải thích.
Anh Tân cũng cho hay, cà số khung, số máy phải dùng loại giấy chuyên dụng. Một số trường hợp số khung số máy của xe ở vị trí phức tạp, khó với tới, người cà phải chui vào gầm xe, lách tay vào những khe động cơ xe để làm, rất khó khăn.
Người lành nghề thì mất khoảng 5-15 phút, còn không quen thì mất 1-2 giờ mới cà xong các bộ số xe.
“Để kịp làm thủ tục và giao xe cho khách, mỗi lần bán xe, tôi đều gọi anh Trí đến cà số cho nhanh. Không chỉ tôi mà hầu hết salon dọc Quốc lộ 13 đều là mối quen của anh Trí”, anh Tân nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm